Có lẽ cả Mỹ và Trung Quốc đều cảm thấy “yên lòng” khi Đối thoại Shangri-La 2015 được tổ chức tại Singapore kết thúc: Không có những màn đấu khẩu cao trào, giận dữ giữa các quan chức quốc phòng hai nước. Tại diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lên tiếng chỉ trích hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng giọng điệu được cho là “vừa phải”. Về phần mình, Trung Quốc đổ lỗi Mỹ là bên gây mất ổn định hòa bình, ổn định ở Biển Đông, nhưng không khí đối thoại được đánh giá là “có kiểm soát”. Tựu chung lại, người ta không thấy màn đấu khẩu khốc liệt Mỹ - Trung như từng diễn ra tại Shangri-La 2014 giữa Bộ trưởng Chuck Hagel với Phó Tổng tham mưu trưởng, trưởng đoàn Trung Quốc Vương Quán Trung.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2015. Ảnh: AFP/TTXVN |
Điều này có thể trái ngược với những dự đoán trước đó. Sau khi được chứng kiến những va chạm, cọ xát giữa Bắc Kinh và Washington liên quan đến tình hình Biển Đông, dư luận từng nghĩ tới một màn đối đầu khốc liệt tại cuộc Đối thoại này. Thế nhưng cuối cùng kịch bản kia không diễn ra và dưới đây là 3 lý do có thể giải thích cho xu hướng này.
Đầu tiên và quan trọng nhất: Cần phải nhớ rằng Đối thoại Shangri-La dù là sự kiện an ninh quan trọng tại khu vực, nhưng ý nghĩa, tầm mức quan trọng của nó đối với hai nước không thể sánh bằng Đối thoại Kinh tế Chiến lược Mỹ - Trung (SED) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới tại Washington. Tiếp đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức tới Mỹ vào tháng 9.
Vì điều này, cả Bắc Kinh và Washington không muốn đẩy quan hệ Mỹ - Trung xuống mức quá thấp, ít nhất là trong thời điểm hiện đại. Ông Tập Cận Bình đã từng bỏ nhiều công sức nhằm thúc đẩy “quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa hai nước. Còn ông Obama cũng muốn thu được thành quả gì đó trước khi rời Nhà Trắng. Hai nhà lãnh đạo đều cần một chuyến thăm thành công để nâng cao hình ảnh trong nước.
Thứ hai, xét trên quan điểm của Mỹ, những điều cần nói, cần thể hiện và cần làm trước Trung Quốc thì chính quyền Obama cũng đã “giải quyết” xong ngay trước thềm Shangri-La 2015, dù tầm mức còn phải bàn cãi. 9 ngày trước khi diễn ra Đối thoại, Mỹ điều máy bay do thám tối tân P8-A Poseidon tuần tra tại 3 “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Tiếp đó, phát biểu tại một sự kiện quân sự ở Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chỉ trích lối hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông là xa rời các “chuẩn mực quốc tế”, sẽ “làm Bắc Kinh bị cô lập”.
Hoạt động xây "đảo nhân tạo" trái phép của Trung Quốc là chủ đề nóng tại Đối thoại Shangri-La lần này. Ảnh: Reuters |
Trên bình diện kĩ thuật, hành động phản kháng của Mỹ có lẽ cũng mới chỉ là để thăm dò phản ứng, hơn là công khai đối đầu. Xét về lý thuyết, Mỹ có thể dấn thêm bước tiếp theo là phái tàu tuần tra đi vào khu vực 12 hải lý quanh các “đảo nhân tạo”. Nhưng việc làm này được cho là quá “khiêu khích” và có thể đẩy Trung Quốc tới chỗ có phản ứng mạnh, thậm chí là cả va chạm tàu chiến. Nếu điều đó xảy ra, vòng xoáy căng thẳng sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. Cách hành xử “thông thái” của Mỹ vẫn là “đợi và xem”.
Dư luận cho rằng đang có tranh cãi gay gắt trong chính quyền Mỹ về bước đi tiếp theo với Trung Quốc. Quá cứng rắn sẽ kích động Trung Quốc đáp trả cứng rắn, nhưng quá yếu mềm thì lại dung dưỡng cho lối hành xử mạnh bạo hơn của Bắc Kinh. Rất khó để hai luồng quan điểm này đi tới một điểm cân bằng và vì vậy phản ứng của Mỹ rơi vào thế “lững lờ”.
Cuối cùng, Trung Quốc cũng nhận thấy rằng cần có sự kiềm chế nhất định trong thời điểm hiện tại. Giới lãnh đạo nước này công khai tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, thế nhưng đây chưa phải lúc để Bắc Kinh ra mặt đối đầu căng thẳng với Mỹ. Có quá nhiều bất định ở phía trước, khi mà Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nóng trong nước: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại kéo theo nguy cơ bất ổn xã hội, cuộc chiến chống tham nhũng.
Tựu chung lại, Mỹ - Trung đã không có màn đấu tay đôi quyết liệt tại Đối thoại Shangri-La. Điều này có nghĩa có thể vẫn còn những kênh đối thoại hiệu quả giữa hai bên. Tại thời điểm này, kiềm chế hoặc phản ứng có kiểm soát chính là xu thế nổi nhất mà giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh và Washington theo đuổi.