Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 28/12 - một ngày sau khi được bổ nhiệm, Ngoại trưởng al-Assaf nhấn mạnh Riyadh rất lấy làm tiếc về các vấn đề liên quan đến nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, ông khẳng định nước này không hề trải qua khủng hoảng mà đang trong một sự chuyển đổi.
Ngày 27/12, Quốc vương Salman của Saudi Arabia đã bổ nhiệm ông Ibrahim al-Assaf làm Ngoại trưởng mới, thay thế ông Adel al-Jubeir, người bị giáng cấp xuống thành Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại.
Cũng trong cuộc cải tổ nội các lần này, ông Abdullah bin Bandar bin Abdulaziz được chỉ định làm Bộ trưởng Cảnh vệ Quốc gia và ông Turki Shabana sẽ giữ chức Bộ trưởng Truyền thông. Ngoài ra, Quốc vương Salman cũng ra lệnh thành lập một cơ quan mới mang tên Hội đồng Chính trị và an ninh.
Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 20/10, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul, song không cho biết thi thể nhà báo này đang ở đâu.
Sau khi công bố kết quả điều tra sơ bộ, cơ quan công tố Saudi Arabia thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ 21 người liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, Ankara không đồng tình với kết luận sơ bộ trên của Riyadh và khẳng định vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman phải chịu trách nhiệm trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Liên quan vụ việc này, nhiều nước (trong đó có Mỹ, Đức, Canada...) đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt một số quan chức Saudi Arabia được cho là có liên đới, cũng như tạm ngừng cấp giấy phép xuất khẩu mới về chuyển giao vũ khí cho Saudi Arabia (như Phần Lan, Đan Mạch...).
Vụ việc đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Saudi Arabia với các đồng minh phương Tây và làm sa sút uy tín của vương quốc Hồi giáo này tại khu vực.