Đây là tuyên bố được Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại Saudi Arabia Adel al-Jubeir đưa ra ngày 19/5 khi phát biểu với báo giới.
Quốc vụ khanh phụ trách đối ngoại al-Jubeir nêu rõ Saudi Arabia sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn chiến tranh. Tuy nhiên, trong trường hợp một bên chọn biện pháp chiến tranh, Riyadh sẽ huy động mọi lực lượng để đáp trả nhằm bảo vệ các lợi ích của mình.
Cùng ngày, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulahziz Al Saud đã mời lãnh đạo các nước vùng Vịnh và Arab tham dự hai hội nghị khẩn, dự kiến diễn ra ở Mecca vào ngày 30/5 tới, bàn về tình trạng căng thẳng gia tăng hiện nay trong khu vực.
Theo hãng thông tấn Saudi, lãnh đạo các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Liên đoàn Arab (AL) tham dự hai hội nghị thượng đỉnh sẽ thảo luận các biện pháp cũng như tăng cường phối hợp về an ninh và ổn định khu vực. Ngoài ra, hai hội nghị cũng sẽ bàn thảo những diễn biến trong khu vực, trong đó có các cuộc tấn công gần đây nhằm vào các tàu thương mại ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và đường ống dẫn dầu chính của Saudi Arabia, vốn cung cấp tuyến đường xuất khẩu dầu thay thế nếu Eo biển Hormuz phải đóng cửa, cùng sự ổn định của nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.
Cũng trong ngày 19/5, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về tình hình hiện nay trong khu vực, trong đó có cả những nỗ lực nhằm tăng cường an ninh và ổn định.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang, sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran. Mỹ đã điều động nhiều khí tài quân sự, trong đó có các máy bay ném bom và tàu sân bay tới Trung Đông là để đối phó với điều mà Washington gọi là "các mối đe dọa từ Iran". Chính quyền của Tổng thống Trump cũng rút các nhân viên ngoại giao không trọng yếu từ Iraq về nước, viện dẫn các mối đe dọa từ những tổ chức vũ trang Iraq được Iran hậu thuẫn. Về phần mình, Iran luôn cho rằng Mỹ đang kích động "chiến tranh tâm lý" đồng thời khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ có hành động khiêu khích. Chính quyền Tehran cũng đã thông báo tạm ngừng thực thi một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc hồi năm 2015, cảnh báo sẽ chặn tuyến đường qua Eo biển Hormuz trong trường hợp xảy ra đối đầu quân sự với Washington.
Trong khi đó, UAE cho rằng tình hình hiện nay tại khu vực đòi hỏi lập trường thống nhất của các nước vùng Vịnh và Arab trong việc giải quyết các thách thức và nguy cơ. Hãng thông tấn nhà nước WAM đã đăng tải tuyên bố của Bộ Ngoại giao UAE hoan nghênh đề nghị của Quốc vương Saudi Arabia Salman về việc tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh khẩn nhằm thảo luận ý đồ của những cuộc tấn công tàu chở dầu và các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia.
Ngày 12/5 vừa qua, 4 tàu chở dầu, trong đó có hai tàu chở dầu của Saudi Arabia, đã bị tấn công gần khu vực Fujairah của UAE, khu vực nằm ngay bên ngoài Eo biển Hormuz - tuyến đường vận chuyển dầu và khí gas quan trọng của thế giới, chia tách các nước vùng Vịnh và Iran. Hiện chưa có tổ chức nào thừa nhận tiến hành vụ tấn công nói trên và UAE khẳng định sẽ không suy đoán về việc ai đứng sau vụ tấn công. UAE đang điều tra vụ việc cùng Mỹ, Pháp và một số nước khác và dự kiến, cuộc điều tra sẽ được hoàn tất trong vài ngày tới.
Sau đó hai ngày, đường ống dẫn dầu chính của Saudi Arabia đã bị tấn công bằng thiết bị bay không người lái. Phiến quân Houthi tại Yemen đã tuyên bố tiến hành vụ tấn công trên, trong khi Saudi Arabia cáo buộc Iran yêu cầu thực hiện vụ không kích này. Tuy nhiên, Iran đã tuyên bố không dính líu đến các vụ tấn công nói trên.