Một thông cáo của nội các cho biết Saudi Arabia sẽ làm mọi cách trong khả năng nhằm tránh bất cứ cuộc chiến tranh nào. Thông cáo nhấn mạnh chính phủ đã cam kết "đạt được sự cân bằng trên thị trường (dầu mỏ) và nỗ lực hướng tới sự ổn định trên nền tảng vững chắc".
Trước đó ngày 21/5, Bộ Dầu mỏ Saudi Arabia tuyên bố vương quốc này không gấp rút tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thô, do lo ngại nguồn cung dồi dào hơn sẽ hạ thấp giá dầu và gây rủi ro cho việc xây dựng kho dự trữ “vàng đen”. Bộ trên nhấn mạnh ưu tiên của Saudi Arabia là duy trì kiểm soát sản lượng sao cho trữ lượng dầu giảm dần, nhưng “chắc chắn hướng đến mức bình thường”.
Nguồn cung dầu trên thế giới đã giảm từ năm ngoái chủ yếu bất ngờ bị gián đoạn tại các nước Iran và Venezuela. Theo số liệu chính thức, lượng dầu thô xuất khẩu của Saudi Arabia trong quý I/2019 giảm chưa đến 1% so với cùng kỳ năm 2018, và chỉ thấp hơn 2,5% so với mức trung bình kể từ đầu năm 2011. Tuy nhiên, doanh thu xuất khẩu dầu thô trong quý đầu năm nay đã giảm gần 7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá dầu Brent trong tháng 1 và 2 xuống thấp.
Một nguồn tin thân cận với Saudi Arabia cho biết vương quốc này trong tháng 6 sẽ duy trì xuất khẩu 7 triệu thùng dầu/ngày. Nhiều khả năng Saudi Arabia sẽ tăng lượng dầu mỏ xuất khẩu thêm 100.000 - 300.000 thùng/ngày khi thỏa thuận giảm sản lượng dầu mỏ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác chủ chốt ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) kết thúc. Mục tiêu chính của Saudi Arabia hiện nay là thuyết phục những nước đồng minh trong OPEC+, trong đó có Nga, không tăng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ.
Trước đó, OPEC và các đối tác chủ chốt ngoài khối đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ 1,2 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/1/2019 và duy trì trong 6 tháng, nhằm giữ giá “vàng đen” và ngăn chặn tình trạng dư cung trên thị trường. Hiện chưa rõ liệu nguồn cung dầu thế giới có sụt giảm trong quý II năm nay hay không. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela, cùng với những vấn đề liên quan đường ống dẫn dầu của Nga, nguy cơ gián đoạn nguồn xuất khẩu dầu của Libya đang góp phần siết chặt nguồn cung dầu trên thị trường.