Tờ Washington Post (Mỹ) đưa tin gần 6.000 vũ khí chưa đăng ký, 300.000 viên đạn cùng 470 quả mìn và thiết bị nổ đã được tự nguyện giao nộp trên toàn Serbia kể từ 8/5. Bộ Nội vụ Serbia xác nhận thông tin này vào ngày 11/5 trong một bài đăng trên Instagram.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã công bố một loạt các biện pháp kiểm soát súng vào ngày 5/5 và cam kết “thực hiện giải trừ quân bị gần như hoàn toàn Serbia”.
Ngày 3/5, một học sinh lớp 7 đã bị bắt giữ sau vụ xả súng hàng loạt tại Trường tiểu học Vladislav Ribnikar ở Belgrade khiến 8 học sinh và một nhân viên bảo vệ thiệt mạng. Đêm hôm sau, một kẻ ngồi trong ô tô đã nổ súng khiến 8 người thiệt mạng tại Mladenovac, phía Nam thủ đô Belgrade.
Bộ trưởng Giáo dục Serbia Branko Ruzic đã từ chức sau thảm kịch ngày 3/5. Vào ngày 7/5, Bộ trưởng Branko Ruzic đăng lên mạng xã hội Twitter rằng việc nhìn thấy những bức ảnh từ vụ xả súng ở trường học và cuộc gặp gỡ với phụ huynh là những trải nghiệm mà ông sẽ mang theo cho đến cuối đời. Ông nói: “Xin Chúa giúp chúng tôi ngăn chặn điều tương tự xảy ra lần nữa”.
Serbia là một trong những quốc gia được trang bị vũ khí nhiều nhất trên thế giới. Theo khảo sát của Geneva Graduate Institute, Serbia có tỷ lệ sở hữu súng dân sự trên đầu người cao thứ ba thế giới. Nhưng chính phủ nước này đang cố gắng thay đổi điều đó bằng một gói chính sách được công bố sau khi hai vụ xả súng xảy ra.
Chương trình ân xá súng đạn của Serbia kéo dài từ 8/5-8/6, tạo điều kiện giao nộp vũ khí chưa đăng ký không kèm theo hình phạt. Các nhà chức trách cho biết những người giao nộp vũ khí không phải xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc giải thích nguồn gốc của vũ khí. Chủ sở hữu súng bất hợp pháp cũng có thể gọi cảnh sát để thu thập chúng mà không phải chịu hậu quả.
Các chính sách kiểm soát súng bổ sung mà Serbia cam kết thực hiện trong tháng này bao gồm lệnh hoãn hai năm giấy phép mới đối với súng nhỏ và vũ khí săn bắn, đồng thời xem xét tất cả các giấy phép vũ khí hiện có trong vòng ba tháng. Chính phủ Serbia cho biết họ sẽ đưa ra các sửa đổi nhằm giảm 20% số lượng súng được sở hữu hợp pháp, tiến hành kiểm tra những người có giấy phép sử dụng vũ khí, bao gồm kiểm tra y tế, tâm thần và ma túy; đồng thời tăng hình phạt đối với tội phạm vũ khí. Australia, Anh, Brazil và Argentina đã thực hiện các chương trình tương tự để giảm súng.