Sau 2 năm, bác sĩ gốc Việt bị lôi khỏi máy bay United Airlines lần đầu lên tiếng

Ông David Dao đã chấn động tâm lý, gãy xương mũi và mất hai răng trong lúc bị nhân viên hãng hàng không United Airlines lôi thô bạo ra khỏi máy bay năm 2017. 

Chú thích ảnh
Hình ảnh ông David Dao bị kéo lê dọc lối đi giữa máy bay ngày 9/4/2017. Ảnh: SCMP 

Hai năm sau ngày hành khách David Dao bị lôi xềnh xệch khỏi chỗ ngồi trên chuyến bay của hãng United Airlines (Mỹ) tại sân bay O’Hare ở Chicago, ông cuối cùng cũng lên tiếng, cho biết bản thân đã phải nhiều lần lau nước mắt khi nghĩ về nó.

Sự việc xảy đến với vị bác sĩ gốc Việt này đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới năm 2017. Ông Dao chưa từng phát biểu với công chúng về vụ bạo lực trên suốt thời gian qua. Mới đến ngày 9/4, tròn hai năm sau đó, ông mới chia sẻ cùng kênh ABC News về cảm xúc lúc lần đầu xem lại đoạn video mình bị lôi khỏi máy bay: “Tôi đã khóc”. Ông quyết định lên tiếng để cảm ơn những người đã đứng đằng sau ủng hộ ông. 

Đến nay, ông cho biết mình đã tha thứ cho United Airlines cùng các nhân viên an ninh sân bay đã hành động thô bạo với ông. Ông nói: “Tôi không giận họ. Đó là công việc của họ. Họ phải làm thế. Nếu họ không làm vậy, họ sẽ mất việc. Vì vậy, tôi không tức giận với họ hay bất cứ thứ gì như vậy”. 

Chú thích ảnh
Ông Dao trả lời phỏng vấn ABC NEWS. Ảnh: SCMP

Kể lại trên sóng chương trình “Chào buổi sáng” của ABC, ông Dao cho biết đã lên máy bay ngày 9/4/2017, chuẩn bị đến Kentucky, nơi ông có kế hoạch khám sức khỏe miễn phí cho các cựu binh Mỹ. Ông đã không thực hiện được kế hoạch của mình. Chuyến bay bị đặt vé quá số ghế ngồi và ông từ chối nhường ghế cho phi hành đoàn, sau đó thì bị lôi khỏi máy bay. 

Ông không hề nghĩ sự việc sẽ trở nên thô bạo đến vậy, song khi nó xảy ra, mọi chuyện leo thang rất nhanh. Ông Tyler Bridges cũng có mặt trên chuyến bay từng tiết lộ với Washington Post năm 2017 rằng các hành khách được thông báo sẽ được nhận bồi thường để đặt chuyến khác nhưng không ai đồng ý. Vì thế, nhân viên hãng bắt đầu tự chọn hành khách để yêu cầu họ xuống. Một cặp đôi trẻ tuổi bị yêu cầu rời đi đầu tiên. Họ bực tức đứng dậy. Tiếp đến là một người đàn ông lớn tuổi, nhưng ông ta từ chối. 

“Ông ấy nói: Không. Tôi không xuống. Tôi là bác sĩ và phải khám cho bệnh nhân vào sáng mai”, hành khách Bridges thuật lại. Người đàn ông trở nên giận dữ khi người quản lý cố thuyết phục, thậm chí còn hét lên phản đối. Một nhân viên an ninh xuất hiện. Sau đó, người thứ hai và thứ ba. 

Bridges cùng những hành khách khác bắt đầu ghi hình khi các nhân viên an ninh kẹp lấy người đàn ông lớn tuổi, một mình bám chặt ghế ngồi bên cửa sổ. Ông Dao hét lên cầu cứu thì một nhân viên nhanh chóng chồm qua hai ghế ngồi trống, lôi ông ra lối đi. “Chúa ơi”, nhiều tiếng kêu thảng thốt vang lên. Ông dường như bị ngã quỵ. Mũi chảy máu. Kính sắp rơi khỏi mặt. 

Vị bác sĩ này cố chộp lấy điện thoại khi một người túm hai tay ông, lôi xềnh xệch trên lối đi và ra khỏi máy bay. 

“Thật khủng khiếp”, ai đó nói trong video, “Các anh làm gì thế? Không! Như thế là sai đấy”. 
Sau đó, theo lời ông Bridges, 4 nhân viên hãng United Airlines bước lên và ngồi vào những ghế trống ấy. (Xem lại video ghi lại vụ việc. Nguồn: Bussiness Insider)

Ông David Dao kể rằng lúc ông tỉnh dậy ở trong bệnh viện, trong giây lát, ông không hề biết câu chuyện của mình đã lan rộng đến vậy. Sau đó, trong bối cảnh bị phản đối dữ dội khắp thế giới, giá cổ phiếu lao dốc và một vụ dàn xếp với hãng hàng không, ông cho rằng sự chú ý của hãng truyền thông trở nên quá sát sao nên không không thể xử lý. 

“Vì vậy, tôi không lộ diện”, ông giải thích với ABC News, “Tôi đã ở trong nhà suốt hàng tháng trời”. 
Trong một tuyên bố gửi đến Washington Post hôm 9/4, United Airlines cho hay sự cố trên là “một khoảnh khắc quyết định” đối với công ty này.  

“Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo rằng chúng tôi, một công ty và tổng cộng 90.000 nhân viên, tiếp tục lấy sự cố đó làm bài học”, bà Megan McCarthy, phát ngôn viên của hãng cho biết. 

Trong cuộc phỏng vấn với ABC News, ông Dao cho biết bản thân thấy mừng khi United Airlines nghiêm túc nhìn nhận sự việc. Ông kết luận: “Điều quan trọng nhất là sự cố đã chuyển sang hướng tích cực”. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Mùa hoa anh đào – mùa kinh doanh 'màu nhiệm' ở Nhật Bản
Mùa hoa anh đào – mùa kinh doanh 'màu nhiệm' ở Nhật Bản

Có một câu ngạn ngữ nổi tiếng trong tiếng Nhật: “bánh bao hơn hoa” với hàm ý kiểu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Nhưng điều đó có thể không đúng với mùa hoa anh đào ở Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN