Theo hãng tin AP, với hy vọng đưa vaccine sử dụng công nghệ mRNA đến các nước nghèo, nhóm nhà khoa học Nam Phi đang nỗ lực sao chép vaccine COVID-19 của hãng Moderna dựa trên các thành phần đã được công khai của loại vaccine này. Sứ mệnh này được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). WHO đang điều phối trung tâm nghiên cứu, đào tạo và sản xuất vaccine ở Nam Phi. WHO cũng phụ trách cung ứng các nguyên vật liệu thô cho sản xuất vaccine.
Emile Hendricks, chuyên gia công nghệ sinh học của Viện Sinh học và Vaccine Afrigen, công ty đứng sau nỗ lực tái tạo vaccine Moderna, cho biết: “Những gì chúng tôi đang làm lúc này là vì châu Phi. Chúng ta không thể tiếp tục trông đợi vào các cường quốc”.
Một số chuyên gia cho rằng kỹ thuật đảo ngược quy trình - tái tạo vaccine dựa trên các thành phần đã được công khai - là cách duy nhất giải quyết tình trạng bất bình đẳng vaccine nghiêm trọng. Điều này nhằm thúc đẩy nhằm đưa vaccine đến với các nước nghèo, trong bối cảnh việc kêu gọi các tập đoàn dược phẩm chia sẻ công nghệ rơi vào bế tắc.
Theo phân tích của Liên minh Vaccine nhân dân, cho đến nay, chỉ có 0,7% vaccine COVID-19 đến được tay các nước thu nhập thấp. Trong khi đó, gần 50% số vaccine đã được bán cho các nước giàu.
Từ trước đến nay, WHO vẫn phải phụ thuộc vào thiện chí từ các nước giàu cũng như các tập đoàn dược phẩm. Tổ chức này chưa từng đối đầu với các nhà sản xuất để trực tiếp tham gia sao chép bất kỳ loại vaccine nào để sử dụng trên toàn cầu.
COVAX, sáng kiến phân phối vaccine công bằng cho các quốc gia thu nhập thấp do Liên hợp quốc hậu thuẫn, đã không thể khỏa lấp tình trạng thiếu hụt vaccine nghiêm trọng ở các nước nghèo. Số vaccine được viện trợ thông qua COVAX chỉ đáp ứng phần rất nhỏ nhu cầu của các quốc gia. Trong khi đó, sức ép mà chính phủ một số nước - dẫn đầu là chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhằm thúc đẩy các tập đoàn dược phẩm chuyển giao thêm vaccine cho các nước nghèo - vẫn chưa mang lại kết quả.
Giờ đây, WHO đang điều phối hoạt động của trung tâm nghiên cứu ở Cape Town, nhằm tìm ra công thức sản xuất vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA. Đây là công nghệ được sử dụng trong vaccine của Moderna và Pfizer/BioNTech. Việc dẫn đầu nỗ lực tái tạo vaccine này phản ánh tình trạng bất bình đẳng vaccine đã tồi tệ đến mức không thể tiếp tục kéo dài.
Martin Friede, điều phối viên chương trình nghiên cứu vaccine của WHO và là người đang trợ giúp trung tâm nghiên cứu Cape Town, nói: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi phải làm tới mức độ này, bởi nhu cầu cấp thiết cũng như công nghệ này còn quá mới”.
Tiến sĩ Tom Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cho rằng thế giới đang bị Moderna và Pfizer “bắt làm con tin”.
Vaccine sử dụng công nghệ mRNA của hai hãng này được cho là có hiệu quả cao trong phòng bệnh COVID-19, nhưng nguồn cung từ Pfizer và Modern vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi. Quy trình mRNA mới sử dụng mã di truyền protein đột biến của virus và được cho là kích hoạt phản ứng miễn dịch tốt hơn so với vaccine truyền thống.
Trong năm 2022, nguồn cung vaccine toàn cầu dự kiến thiếu hụt khoảng 500 triệu - 4 tỷ liều vaccine, tùy thuộc vào mức độ đa dạng của vaccine được tung ra thị trường.
Moderna đã cam kết xây một nhà máy sản xuất vaccine ở châu Phi, nhưng không cho biết thời gian bắt đầu khởi công. Nhưng sau quãng thời gian dài kêu gọi các nhà sản xuất chia sẻ công thức, nguyên liệu thô cũng như công nghệ, một số nước đang phát triển không thể tiếp tục chờ đợi thêm.
Petro Terblanche, Giám đốc điều hành của Viện Sinh học và Vaccine Afrigen cho biết mục tiêu của công ty là tạo ra một phiên bản của vaccine Moderna để thử nghiệm trên người trong vòng 1 năm, trước khi đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp. Theo ông, nếu nhóm nghiên cứu ở Nam Phi thành công, công nghệ sản xuất vaccine sẽ được chia sẻ cho phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, điều này đã bị các tập đoàn dược phẩm phản đối dữ dội.
Trong khi việc loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Moderna cho biết họ sẽ không theo đuổi hành động pháp lý với một công ty xâm phạm quyền sở hữu với vaccine của hãng này. Nhưng Moderna cũng không có ý định trợ giúp bất kỳ công ty nào sản xuất vaccine sử dụng công nghệ mRNA.
Noubar Afeyan, Chủ tịch của Moderna, xác định sẽ tốt hơn nếu tự mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới, thay vì chuyển giao công nghệ. Hãng dược phẩm này có kế hoạch cung cấp hàng tỷ liều bổ sung trong năm tới.
“Trong vòng 6 đến 9 tháng, cách đáng tin cậy nhất để tạo ra vaccine chất lượng cao và hiệu quả là chúng tôi sẽ tự sản xuất vaccine”, ông Afeyan cho biết.
Zoltan Kis, chuyên gia về vaccine mRNA tại Đại học Sheffield, cho rằng việc tái tạo vaccine Moderna là “có thể thực hiện được”, nhưng sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu Moderna chấp nhận chia sẻ công nghệ. Ông Kis ước tính quá trình này bao gồm hàng chục giai đoạn, một số quy trình cũng rất phức tạp, ẩn chứa nhiều rủi ro.
“Sản xuất vaccine giống như nấu một bữa ăn rất phức tạp. Việc có trong tay công thức sẽ rất có ích, công thức sản xuất giúp chúng ta biết chính xác phải làm gì”, ông Kis nói.
Nỗ lực tái tạo vaccine đang nhận được sự hỗ trợ từ Medicines Patent Pool, một tổ chức y tế cộng đồng được WHO hậu thuẫn, mục tiêu ban đầu là thuyết phục các tập đoàn dược phẩm chia sẻ bằng sáng chế thuốc điều trị AIDS. Giám đốc điều hành của Medicines Patent Pool, Charles Gore, cho biết họ đang tìm cách thuyết phục Moderna hợp tác. Trước đó, tổ chức này đã nhiều lần liên hệ với Pfizer/BioNTech, đề nghị chia sẻ công thức vaccine, nhưng đều bị từ chối.
Việc tái tạo vaccine Moderna mới đang trong giai đoạn nghiên cứu, vì vậy vẫn được bảo vệ về mặt pháp lý. Tuy nhiên, rủi ro tranh chấp sẽ xảy ra khi vaccine ra mắt và bước vào giai đoạn chào bán thương mại.
Tuy nhiên, hạ nghị sĩ Mỹ Raja Krishnamoorthi cảnh báo nỗ lực tái tạo vaccine có thể sẽ không kịp ngăn virus đột biến và tiếp tục lan rộng hơn nữa. Ông Krishnamoorthi cùng các cộng sự đang thúc đẩy một dự luật nhằm tăng đầu tư của chính phủ Mỹ cho sản xuất và phân phối vaccine đến các nước đang phát triển.
“Chúng ta phải thể hiện sự sốt sắng, hối hả, điều mà tôi chưa thấy lúc này. Nếu chúng ta không chấm dứt được đại dịch, con đường phía trước sẽ rất chông gai”, ông Krishnamoorthi nói.
Trở lại Cape Town, lời cam kết về việc sử dụng công nghệ mRNA trong việc phòng ngừa các bệnh khác đã thúc đẩy các nhà khoa học trẻ nỗ lực hơn.
Bà Caryn Fenner, Giám đốc kỹ thuật của Afrigen, cho rằng: “Điều thú vị là tìm hiểu cách nghiên cứu công nghệ mRNA để phát triển vaccine COVID-19”. Nhưng quan trọng hơn, Fenner nói “không chỉ sử dụng nền tảng mRNA cho COVID-19, mà còn cho cả những căn bệnh khác.