Theo hãng tin Reuters (Anh), Ấn Độ được dự đoán sẽ trở lại với tư cách là nhà xuất khẩu vaccine hàng đầu thế giới trong vòng vài tháng tới, đặc biệt sản lượng xuất khẩu vaccine sẽ tăng mạnh từ đầu năm 2022.
Sau khi tặng và bán 66 triệu liều vaccine COVID-19 cho gần 100 quốc gia, vào giữa tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu vaccine để tập trung vào chiến dịch tiêm chủng trong nước khi làn sóng Delta bùng phát mạnh mẽ. Điều này đã làm đảo lộn kế hoạch tiêm chủng của nhiều quốc gia châu Phi và Nam Á, bởi Ấn Độ được biết đến là nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới.
Ngày 27/8, Ấn Độ đã lập kỷ lục tiêm chủng vượt 10 triệu liều vaccine/ngày. Sản lượng vaccine của nước này cũng tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 4 và dự kiến sẽ tăng trở lại trong những tuần tới. Các dây chuyền sản xuất mới đã được thiết lập, trong khi vaccine do công ty dược phẩm đa quốc gia Ấn Độ Cadila Healthcare (CADI.NS) phát triển gần đây đã được chấp thuận và việc sản xuất thương mại vaccine Sputnik V của Nga cũng đang được triển khai tại quốc gia Nam Á này.
Một nguồn tin cho biết Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hiện đang sản xuất khoảng 150 triệu liều vaccine AstraZeneca/tháng, tăng gấp hơn hai lần sản lượng tháng 4 với khoảng 65 triệu liều.
“Vẫn chưa có mốc thời gian cố định về việc nối lại xuất khẩu, nhưng công ty hy vọng sẽ khởi động lại trong vài tháng tới”, nguồn tin nói. SII hiện chưa bình luận về thông tin trên, song trước đó cho biết xuất khẩu vaccine có thể được tiếp tục vào cuối năm.
Sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, chương trình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) dẫn đầu, cũng hy vọng Ấn Độ sẽ sớm khởi động lại hoạt động xuất khẩu vaccine.
“Với chương tình tiêm chủng quốc gia thành công và sự xuất hiện của nhiều sản phẩm mới, chúng tôi hy vọng nguồn cung của Ấn Độ cho COVAX sẽ khôi phục nhanh nhất có thể”, phát ngôn viên của GAVI chia sẻ trong một email và nói thêm rằng Ấn Độ, nhà sản xuất của nhiều loại vaccine khác, có thể “đóng vai trò mang tính bước ngoặt trong phản ứng toàn cầu đối với đại dịch COVID-19”.
Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hai cơ quan điều phối việc xuất khẩu vaccine, chưa trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Hơn nữa, Bharat Biotech, nhà sản xuất vaccine COVID-19 nội địa đầu tiên của Ấn Độ, hôm 29/8 đã khánh thành một nhà máy mới với công suất sản xuất 10 triệu liều vaccine/tháng. Công ty này cho biết họ đang tiến tới mục tiêu sản xuất khoảng 1 tỷ liều vaccine Covaxin hàng năm.
Trong khi đó, các ca mắc COVID-19 đã tăng trở lại Ấn Độ sau đợt bùng phát hồi tháng 4 và tháng 5. Tuy nhiên, quốc gia này đã tiêm hơn 633 triệu liều vaccine cho người dân, với 52% trong tổng số 944 triệu người trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi và hơn 15% đã tiêm hai mũi.
Một nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ vào tháng 6 cho biết kinh nghiệm từ Mỹ cho thấy việc tiêm chủng có xu hướng chậm lại sau khi phần lớn người dân đi tiêm phòng. Nguồn tin cho biết điều đó có thể tạo cơ hội cho SII xuất khẩu số vaccine dư thừa.
Người đứng đầu đảng cầm quyền BJP của Thủ tướng Narendra Modi mới đây dự đoán Ấn Độ có thể sản xuất tới 1,1 tỷ liều vaccine trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12, đủ để tiêm chủng đầy đủ cho tất cả người trưởng thành ở nước này trong năm nay.
Ấn Độ đã cấp phép khẩn cấp cho 6 loại vaccine COVID-19, trong đó 4 loại đang được sản xuất trong nước. Một loại vaccine nội địa nữa dự kiến sẽ sớm được phê duyệt, trong khi nhiều loại vaccine khác đang trong quá trình thử nghiệm ở giai đoạn 2.
Ấn Độ đã ghi nhận trên 43.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 32,7 triệu trường hợp, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Nước này cũng báo cáo thêm 527 người tử vong, nâng số trường hợp tử vong lên trên 438.300 ca.