Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (thứ ba, trái, hàng đầu) tại một phiên họp Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara ngày 15/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sau khi áp đặt tình trạng khẩn cấp hồi tháng 7/2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một chiến dịch trấn áp các đối tượng liên quan đến vụ đảo chính bất thành, bắt giữ hơn 50.000 người và sa thải khoảng 150.000 người. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chiến dịch trấn áp này là vô cùng cần thiết, nhằm giải quyết các thách thức an ninh mà nước này đang phải đối mặt, đồng thời giúp loại bỏ những người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen - người bị Ankara coi là chủ mưu vụ đảo chính bất thành. Tuy nhiên, ông Gulen đã phủ nhận việc dính líu đến cuộc đảo chính.
Phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nurettin Canikli (Nu-rét-tin Ca-ních-li) cho rằng lệnh tình trạng khẩn cấp đã tạo khuôn khổ pháp lý giúp chính quyền Ankara thanh lọc mạng lưới của giáo sĩ Gulen. Theo ông Canikli, những người thuộc mạng lưới Gulen nắm giữ chức vụ quan trọng đều đã bị sa thải, tuy nhiên vẫn còn một số người đang giấu mặt.
Phe đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng một số nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích quyết định của chính quyền Ankara, khi họ cho rằng việc gia hạn tình trạng khẩn cấp sẽ đe dọa đến quyền lợi và sự tự do của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.