Quốc hội Mỹ yêu cầu giữ lập trường cứng rắn với Iran

Bất đồng giữa Quốc hội Mỹ với chính quyền của Tổng thống Barack Obama về chương trình hạt nhân Iran có thể leo thang, khi đa số các nghị sĩ của cả hai viện gửi thư lên tổng thống yêu cầu giữ lập trường cứng rắn với quốc gia Hồi giáo này. Động thái diễn ra trong bối cảnh các cường quốc (5 nước thành viên thường trực của Liên hợp quốc và Đức) vừa khởi động tiến trình đàm phán với Iran tại Vienna (Áo) về một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng.

Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton (trái, trước) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải, trước) tại bàn đàm phán ở Vienna ngày 18/3. Ảnh: AFP/ TTXVN


Lá thư do 83 trên tổng số 100 nghị sĩ thượng viện đệ trình đã liệt kê "các ưu tiên cốt lõi", trong đó điều đầu tiên là yêu cầu Iran từ bỏ quyền làm giàu uranium, một điều kiện vẫn bị phía Iran bác bỏ. Các thượng nghị sĩ nói trên còn đòi đóng cửa lò phản ứng nước nặng tại Arak và Tehran phải giải đáp những thắc mắc của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHA) về khả năng chuyển hướng những chương trình hạt nhân dân sự sang mục đích quân sự.

Trong lá thư của Hạ viện, do 394 trên tổng số 432 thành viên ký, các nghị sĩ cảnh báo Tổng thống Obama cái họ gọi là "quá khứ của Iran trong việc tìm cách trì hoãn, dối trá và che giấu các chương trình hạt nhân" và bày tỏ lo ngại rằng Tehran sẽ tìm cách kéo dài tiến trình đàm phán để tranh thủ thời gian đẩy mạnh xuất khẩu dầu mỏ.

Những nghị sĩ ủng hộ trừng phạt Iran cho biết các số liệu về xuất khẩu dầu của Iran trong tháng hai tăng chứng tỏ thỏa thuận tạm thời mà theo đó phương Tây đồng ý nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đang tạo cho nước này cơ hội giải quyết các vấn đề kinh tế lớn hơn so với dự đoán ban đầu của phương Tây. Trước đó, Nhà Trắng dự đoán xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm trong vài tháng tới và duy trì ở mức trung bình 1 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng hai đến tháng bảy.

Cả hai viện Quốc hội Mỹ đặt điều kiện Iran phải từ bỏ theo đuổi sản xuất vũ khí hạt nhân nếu nước này muốn được nới lỏng thêm các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ cũng nói rằng họ vẫn để ngỏ cơ hội cho Iran theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự.

Quốc hội Mỹ vốn luôn giữ lập trường cứng rắn đối với vấn đề chương trình hạt nhân Iran. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Robert Menendez đã bảo trợ cho dự luật áp đặt biện pháp trừng phạt mới chống Iran. Tuy nhiên, dự luật hiện đang bị mắc kẹt tại Thượng viện do Tổng thống Obama cảnh báo sẽ sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ dự luật nếu nó được thông qua. Nhà Trắng cũng cảnh báo các biện pháp trừng phạt mới có thể sẽ phá hoại các nỗ lực ngoại giao nhằm tiến tới thỏa thuận hạt nhân với Iran.


TTXVN/Tin tức
Căng thẳng Ukraine có thể ảnh hưởng đến đàm phán Iran-P5+1
Căng thẳng Ukraine có thể ảnh hưởng đến đàm phán Iran-P5+1

Ngay trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, theo báo chí Nga, Tổng thống Vladimir Putin muốn thảo luận với Iran về thỏa thuận, theo đó Moskva sẽ mua dầu mỏ của Tehran, đổi lại Nga sẽ hỗ trợ tài chính và giúp Iran xây dựng thêm một số lò phản ứng hạt nhân mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN