Với 80 phiếu ủng hộ và 15 phiếu chống, ngày 1/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc các nghiệp đoàn đường sắt phải chấp nhận một thỏa thuận sơ bộ đạt được hồi tháng 9 vừa qua về tăng lương. Trước đó 1 ngày, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật.
Theo kế hoạch, dự luật sẽ được chuyển tới Tổng thống Mỹ Joe Biden để ký ban hành. Khi luật này có hiệu lực, bất kỳ cuộc đình công nào cũng đều bị coi là bất hợp pháp và những người tham gia đình công có thể bị sa thải.
Tuy nhiên, do không hội đủ số phiếu ủng hộ cần thiết (60 phiếu), Thượng viện Mỹ đã không thể thông qua việc trả lương cho nhân viên đường sắt nghỉ ốm trong thời gian ngắn. Đây là biện pháp bổ sung được Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua trước đó để nhận được sự ủng hộ của các nghiệp đoàn đường sắt, theo đó, các nhân viên đường sắt vẫn được trả lương nếu nghỉ ốm trong 7 ngày, giải quyết điểm vướng mắc chính của các nghiệp đoàn.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Joe Biden đã hoan nghênh quốc hội hành động để giúp đất nước tránh được “một thảm họa Giáng sinh”, cũng như hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế.
Nếu dự luật trên không được thông qua, các nhân viên đường sắt có thể sẽ đình công vào tuần tới, song tác động của việc trên có thể cảm nhận ngay từ cuối tuần này, khi các tuyến đường sắt ngừng nhận vận chuyển vật liệu nguy hiểm, cũng như bắt đầu hủy dịch vụ hành khách. Ước tính, đình công có thể gây gián đoạn hoạt động vận chuyển của gần 30% số lượng hàng hóa, thiệt hại kinh tế hơn 2 tỷ USD/ngày và ảnh hưởng đến việc đi lại của hàng triệu hành khách tại nước này.
Các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo các nghiệp đoàn và giám đốc các công ty đường sắt Mỹ đã bế tắc trong hơn 2 năm. Trong các cuộc đàm phán gấp rút hồi tháng 9 vừa qua, hai bên đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ. Thỏa thuận này đã được 8 trong số 12 nghiệp đoàn đường sắt Mỹ thông qua, trong khi 4 nghiệp đoàn còn lại phản đối. Thỏa thuận bao gồm tăng lương 24% cho nhân viên ngành đường sắt. Tuy nhiên, những người phản đối thỏa thuận cho rằng văn bản này không đề cập việc đảm bảo nghỉ ốm được trả lương.