Quốc gia đầu tiên ngoài Nga tiêm chủng Sputnik V cho người dân

Ngày 29/12, Belarus đã bắt đầu tiêm chủng cho người dân vaccine Sputnik V của Nga phòng bệnh COVID-19. Như vậy, Belarus là quốc gia đầu tiên ngoài Nga sử dụng vaccine này để tiêm phòng cho người dân.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Minsk, Belarus. Ảnh: THX/TTXVN

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) - cơ quan tài trợ hoạt động nghiên cứu vaccine COVID-19, cho biết lô vaccine đầu tiên đã được chuyển đến Belarus. Theo Bộ trưởng Y tế Belarus Dmitry Pinevich, các nhân viên y tế và giáo viên sẽ là những người đầu tiên được tiêm phòng ở nước này

* Cùng ngày, Iran đã tiến hành thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên, do nước này tự bào chế. Theo Tập đoàn nhà nước Setad, 6 tháng sau khi thử nghiệm thành công, mỗi tháng, tập đoàn có thể sản xuất được 12 triệu liều vaccine. Những tình nguyện viên đầu tiên tham gia thử nghiệm vaccine là giới chức của Setad nhằm tăng cường lòng tin của người dân đối với vaccine. 

Iran là quốc gia tại Trung Đông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Giới chức nước này cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây khó khăn cho Tehran trong việc theo đuổi sự hỗ trợ về thuốc men và y tế từ nước ngoài, trong đó có cả các loại vaccine phòng bệnh - vốn rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh dịch.

* Cùng ngày, giới chức Dubai thông báo kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19, do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) bào chế, cho 70% người dân nước này trước cuối năm 2021. 

Tuần trước, trung tâm tài chính của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bắt đầu giai đoạn tiêm vaccine đầu tiên cho các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên, trong đó có những người trên 60 tuổi, những người có bệnh lý nền, những người khuyết tật và các nhân viên tuyến đầu chống dịch. 

* Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Chính phủ Liên bang Australia đang xem xét cho phép du khách quốc tế và công dân nước này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 có quyền nhập cảnh đặc biệt. 

Trong một phát biểu mới đây, người phát ngôn Bộ Y tế Australia cho biết chính phủ liên bang đang xem xét việc công nhận chứng chỉ tiêm chủng quốc tế đối với COVID-19 cũng như các biện pháp kiểm dịch và nhập cảnh khác có thể áp dụng đối với công dân Australia trở về nước sau khi đã được tiêm phòng ở nước ngoài.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) vừa đưa ra  khuyến cáo những người đã được tiêm phòng COVID-19 vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa hiện nay, bao gồm cả việc cách ly, cho đến khi các nước đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng.

Chính phủ Australia đang đặt mục tiêu triển khai chương trình tiêm chủng vào tháng 3/2021 và toàn dân sẽ được tiêm chủng vào cuối tháng 10, trừ nhóm đối tượng có các bệnh lý nền.

Trong khi đó, Bộ Y tế Australia cho biết vẫn chưa rõ liệu hai trong số các loại vaccine ngừa COVID-19 chính được sử dụng ở nước này, gồm vaccine của AstraZeneca và của Pfizer/BioNTech, có ngăn ngừa được sự lây lan của của virus SARS-CoV-2 hay không, mặc dù chúng đã có hiệu quả trong việc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bộ Y tế Australia khẳng định cách ly bắt buộc tại khách sạn là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan ở nước này và là biện pháp tốt nhất cần áp dụng đối với những người nhập cảnh từ nước ngoài.

Bày tỏ ý kiến về khả năng miễn cách ly cho người nhập cảnh đã được tiêm vaccine ở nước ngoài, bà Gladys Berejiklian, Thủ hiến bang New South Wales, bang đông dân nhất của Australia, cho biết bà không cảm thấy thật yên tâm khi có bất kỳ người nào nhập cảnh mà không trải qua thời gian cách ly 14 ngày.

Nguyễn Minh - Ngọc Hà (TTXVN)
Nga tuyên bố đa số người tiêm vaccine Sputnik V không có tác dụng phụ
Nga tuyên bố đa số người tiêm vaccine Sputnik V không có tác dụng phụ

Ngày 24/12, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya của Nga, ông Alexander Ginzburg, cho biết khoảng 85% số người được tiêm vaccine Sputnik V ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do nước này sản xuất không có tác dụng phụ trong 3 giai đoạn thử nghiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN