Tờ Guardian (Anh) dẫn lời người phát ngôn quốc hội Libya cho biết ngày 10/2 cựu Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashagha đã trở thành thủ tướng mới sau khi các ứng viên khác rút lui. Tuy nhiên, Thủ tướng lâm thời Abdul Hamid Dbeibah, người đứng đầu chính phủ được quốc tế công nhận, đã bác bỏ diễn biến này và nói rằng ông chỉ chuyển giao quyền lực sau một cuộc bầu cử quốc gia.
Diễn biến trên đi ngược lại nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm hòa giải đất nước bị chia cắt và trên thực tế đang tạo ra hai chính quyền song song. Libya rơi vào bất ổn kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Trong nhiều năm qua, quốc gia Bắc Phi này bị chia rẽ bởi 2 chính quyền đối đầu ở miền Đông và Tây đất nước.
Libya đã lên kế hoạch tổ chức bầu cử tổng thống trong ngày 24/12/2021 nhưng việc bỏ phiếu bị trì hoãn vì tranh cãi giữa các phe phái xoay quanh luật bầu cử. Các nhà lập pháp ở phía Đông lập luận rằng nhiệm vụ của chính phủ Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah đã kết thúc vào ngày đó.
Ngày 9/2, hàng trăm người đổ ra đường phố Tripoli để phản đối quyết định của quốc hội công bố thủ tướng mới. Ông Dbeibah trong khi đó cảnh báo rằng việc loại bỏ ông sẽ khiến Libya quay trở lại “chia rẽ và hỗn loạn” sau gần 2 năm ổn định.
Ông Dbeibah được bổ nhiệm làm thủ tướng vào tháng 2/2021. Nhiệm vụ chính của chính phủ của ông là chèo lái đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc theo hướng hòa giải dân tộc và dẫn dắt nó thông qua các cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, sau đó ông Dbeibah tuyên bố tranh cử tổng thống, phá vỡ cam kết không tham gia bầu cử khi ông được bổ nhiệm làm thủ tướng lâm thời. Ông Dbeibah cho biết đã bắt tay vào tham vấn để thống nhất một lộ trình mới tổ chức bầu cử vào tháng 6. Chính phủ các nước phương Tây hối thúc rằng chính phủ Libya hiện tại vẫn giữ nguyên vị trí cho đến khi cuộc bỏ phiếu được tổ chức để tránh hỗn loạn.
Trong một diễn biến liên quan, Liên hợp quốc (LHQ) ngày 10/2 tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ chính phủ đoàn kết Libya do ông Abdulhamid Dbeibah làm thủ tướng.