Trước đó cùng ngày, Quốc hội Libya đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashagha làm thủ tướng nước này, thay thế Thủ tướng lâm thời Abdulhamid Dbeibah. Theo đánh giá của giới phân tích, việc bầu chọn thủ tướng mới có thể châm ngòi cho những cuộc tranh giành quyền lực mới giữa miền Đông và miền Tây Libya.
Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 10/2, khi được hỏi liệu LHQ có tiếp tục công nhận ông Dbeibah làm Thủ tướng Libya lâm thời hay không, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nói: “Câu trả lời ngắn gọn là có”. Ông Dujarric yêu cầu các nhà lãnh đạo Libya phải đoàn kết nhất trí về con đường phía trước của quốc gia Bắc Phi này, đồng thời cần quan tâm tới người dân Libya.
Ông Dujarric nhấn mạnh rằng LHQ không phải là cơ quan giám sát hay cơ quan có thẩm quyền chung ở Libya, nhưng LHQ có mặt ở nước này để giúp đỡ người dân Libya, và điều rất quan trọng đối với tất cả các nhà lãnh đạo Libya và các bên liên quan là phải luôn nghĩ về những người dân nước này.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) của Thủ tướng Dbeibah lên nắm quyền điều hành đất nước cách đây một năm, với nhiệm vụ dẫn dắt Libya tới những cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức trong tháng 12/2021, nhằm đưa quốc gia Bắc Phi này thoát khỏi cuộc xung đột kéo dài hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, kể từ khi các cuộc bầu cử bị hoãn vô thời hạn, trong bối cảnh các phe phái ở Libya chia rẽ sâu sắc về cơ sở hiến pháp để tổ chức những sự kiện quan trọng này, Chủ tịch Quốc hội Aguila Saleh đã dẫn đầu các nỗ lực nhằm thay thế ông Dbeibah.