Quan hệ Nga - phương Tây sau cuộc khủng hoảng Crimea

Tới thời điểm này, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận Crimea là nhà nước độc lập và nước này đã chính thức nộp đơn xin sáp nhập vào LB Nga, cuộc khủng hoảng tại Crimea có thể tạm coi đã dần khép lại. Vấn đề dư luận thế giới quan tâm lúc này là quan hệ của Nga và phương Tây sẽ đi về đâu sau sự kiện này và liệu các biện pháp trừng phạt có khả thi?


Diễn biến cấp tập


Ngay sau cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea với kết quả 96,77% cử tri lựa chọn đưa bán đảo này trở về với nước Nga, Hội đồng Tối cao (Nghị viện) Crimea đã họp phiên bất thường và ra nghị quyết "Về Độc lập của Crimea" và đệ đơn xin sáp nhập vào Nga. Hội đồng Tối cao cũng đổi tên thành Hội đồng Quốc gia. Chính phủ Crimea cũng đang gấp rút sửa đổi trong các lĩnh vực giáo dục, giao thông, hải quan... phù hợp với quy chế mới.

 

Người dân Nga vui mừng trước sự kiện ký hiệp ước về sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga, tại quảng trường Đỏ ở Moskva ngày 18/3. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Về phần mình, Tổng thống Nga cũng ký Sắc lệnh tiếp nhận bán đảo Crimea vào thành phần LB Nga một ngày sau đó và ông đã đọc bản thông điệp đặc biệt nhân sự kiện này. Ông khẳng định cuộc trưng cầu dân ý về quyết định sáp nhập vào Nga của bán đảo Crimea hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc dân chủ và từ nay trên bán đảo sẽ lưu hành song song ba ngôn ngữ: Nga, Ukraina và Tarta


Trong thông điệp này, Tổng thống Putin nhấn mạnh tới nguồn gốc các diễn biến tại Crimea dẫn đến việc bán đảo này tuyên bố độc lập và tách khỏi Ukraine. Ông cũng đồng thời nêu rõ Crimea đã là lãnh thổ lịch sử của Nga, luôn có vị trí gần gũi trong trái tim của mỗi người dân Nga, và việc Crimea đã được vào thành phần Ukraine do một quyết định sai lầm cá nhân.


Để khẳng định tính hợp pháp của tuyên ngôn độc lập của Crimea, Tổng thống Nga dẫn các luật quốc tế như Hiến chương LHQ, nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó không hề có quy định cấm quyền tuyên bố độc lập, cũng như khẳng định việc tuyên bố độc lập có thể vi phạm luật pháp trong nước nhưng không có nghĩa là vi phạm luật pháp quốc tế.


Phương Tây tức giận


Trước những diễn biến nhanh chóng tại bán đảo Crimea, phương Tây đã phản ứng bằng các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức Nga và Ukraine trong chính quyền của Tổng thống Yanukovych.


Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký sắc lệnh hành chính cấm 11 quan chức Nga và Ukraine đến Mỹ và phong tỏa các tài sản của họ ở nước này. Đây được xem là các biện pháp trừng phạt toàn diện nhất Mỹ áp dụng đối với Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh.


Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) thống nhất trừng phạt 21 quan chức Nga và Ukraine, đồng thời đóng băng tài sản cũng như cấm họ được nhập cảnh vào lãnh thổ EU. Ngoài ra, EU cũng quyết định hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh EU-Nga diễn ra vào mùa hè tới. Đây là những biện pháp trừng phạt chưa hề xuất hiện trong lịch sử mối quan hệ giữa EU và Nga kể từ năm 1991.


Anh tuyên bố đã ngừng tất cả các hoạt động hợp tác, đồng thời cho biết thỏa thuận hợp tác kỹ thuật và các cuộc diễn tập hải quân chung với Nga, Pháp, Anh và Mỹ cũng bị đình lại.


Ràng buộc lợi ích


Bức tranh toàn cảnh về Crimea đã hoàn tất. Đối lập với những bước đi quyết liệt, tuyên bố đầy chất thép của ông chủ Điện Kremlin là những phản ứng tức thời, các biện pháp trừng phạt ở cấp độ ngoại giao thể hiện sự nóng giận của Nhà Trắng và phương Tây. Điều mà giới phân tích quốc tế quan tâm hiện nay là sự đối đầu này sẽ đẩy quan hệ Nga và phương Tây tới đâu? Đã có những ý kiến về một kịch bản Chiến tranh Lạnh đệ nhị tại châu Âu với những cực đối lập xưa cũ Đông và Tây. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều rằng cuộc đối đầu này sẽ không quá căng thẳng để đẩy hai bên ở vào thế “mặt trăng - mặt trời”. Lý do không ở đâu xa - đó chính là thực lực và các lợi ích đan xen, mà trong đó, Nga có phần lớn thế hơn khi châu Âu hiện bị phụ thuộc khá nhiều vào nguồn năng lượng từ xứ Bạch dương.


Phương Tây không sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự mới, đặc biệt khi chiến trường nằm giữa lòng châu Âu. Sẽ không có chuyện Mỹ trả đũa Nga bằng biện pháp quân sự vì tiềm lực quân sự của Moskva là không phải bàn cãi. Sự e ngại này của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới tâm lý chung của các nước đồng minh khác - các thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tiếp theo, đó là sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn khí đốt của Nga. Tuyên chiến với Nga trong vấn đề Ukraine lúc này chẳng khác nào tự đóng van các nguồn năng lượng đối với châu Âu, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy tồi tệ đối với hoạt động kinh tế, đời sống của người dân - điều mà không một chính phủ nào ở châu Âu muốn xảy ra. Quan hệ với Mỹ dù gắn kết nhưng lại xa về địa lý, trong khi Nga là đối tác - đối thủ liền kề. Một châu Âu khôn ngoan sẽ là một châu Âu không quay lưng với bất kỳ đối tác nào. Ngoài ra, còn một lý do nữa, đó là thái độ cứng rắn của chính quyền Kremlin.


Vì thế, không quá ngạc nhiên khi phương Tây một mặt tuyên bố trừng phạt, một mặt vẫn tuyên bố để ngỏ các giải pháp chính trị.


Đức - nền kinh tế lớn của châu Âu - và Mỹ cho rằng vẫn còn "lối thoát ngoại giao" để giải quyết cuộc khủng hoảng. Hai bên cho rằng có khả năng sẽ tiến hành các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu tình hình và nhấn mạnh sẵn sàng tiếp tục theo đuổi giải pháp chính trị, đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, theo hướng chú trọng tới các lợi ích của cả Nga và người dân Ukraine. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Nga vẫn tiếp tục là thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển G8, bất chấp các nước trong nhóm đã dừng công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Sochi (Nga) vào tháng 6 tới. Còn theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, EU và Nga cần đối thoại để hạn chế leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương.


Trong khi đó, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseni Yaseniuk - người được dựng lên sau cuộc lật đổ chính quyền hợp hiến của Tổng thống Ukraine đương nhiệm Yanukovych - đã có động thái xoa dịu tình hình trong nước. Ông cam kết Ukraine sẽ không gia nhập NATO, duy trì quy chế ngôn ngữ quốc gia cho tiếng Nga và tăng quyền cho các khu vực. Nhà lãnh đạo này khẳng định Ukraine không đặt quan hệ với Nga và với EU ở thế loại trừ nhau và cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác đích thực và láng giềng tốt với LB Nga.


Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã đưa ra 5 mục tiêu cho Nhóm hỗ trợ quốc tế giải quyết khủng hoảng Ukraine, trong đó bao gồm các điểm chính tương đồng với tuyên bố trên, cụ thể là quy chế của tiếng Nga, sửa đổi Hiến pháp theo hướng liên bang hóa Ukraine và quy chế trung lập về chính trị - quân sự của nước này.


Vậy nên, không phải là không có cơ sở khi cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ không tạo nên thế xung đột quá gay gắt trong quan hệ Nga - phương Tây, đặc biệt trong một thế giới ngày càng hội nhập và các mối quan hệ đan xen lợi ích lẫn nhau.

 

Phương Hồ

Nga, Trung bắt tay - “Cơn ác mộng” với phương Tây
Nga, Trung bắt tay - “Cơn ác mộng” với phương Tây

Lệnh trừng phạt sẽ đẩy Moskva lại gần Bắc Kinh hơn trong một kịch bản có thể là “cơn ác mộng” đối với Mỹ và phương Tây, khi Moskva đẩy mạnh doanh số bán hàng quốc phòng sang Trung Quốc và định hướng lại xuất khẩu năng lượng của mình từ châu Âu xuống phía Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN