Theo tờ Foreign Policy, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuyển hướng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln từ Thái Bình Dương đến Trung Đông, thay thế tàu USS Theodore Roosevelt. Sau đó, Lầu Năm Góc đã điều thêm nhiều tàu tuần dương và tàu khu trục có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo đến khu vực này. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh điều thêm một đội máy bay chiến đấu đến Trung Đông và bố trí nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên bộ hơn.
Ngay cả khi chính quyền Mỹ đã cảnh báo trong nhiều ngày qua rằng Mỹ không thể đảm bảo an toàn cho Israel trước một cuộc tấn công mới của Iran, nhưng Mỹ vẫn bố trí cấu trúc phòng thủ tên lửa. Trưa ngày 5/8, Tướng Michael Kurilla, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, đã có mặt tại Israel, xem xét các kế hoạch phòng không theo từng điểm chi tiết. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Quốc vương Abdullah II của Jordan – quốc gia đã giúp Israel phòng thủ trước cuộc tấn công của Iran hồi tháng 4.
Vào thời điểm quân đội Mỹ ưu tiên đưa bộ binh và tàu đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhu cầu bảo vệ Israel đã khiến Mỹ lại phải hướng sức mạnh quân sự trở lại Trung Đông. Điều đó đã khiến các thủy thủ đoàn, các đội chiến đấu cơ và phòng không của Mỹ vốn đã căng thẳng nay lại phải căng mình hơn nữa.
Ông Mark Montgomery, thành viên cấp cao tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, nhận định: “Chúng ta không xây dựng một quân đội có thể xử lý ba chiến trường cùng một lúc”.
Quân đội Mỹ đang điều chuyển những vũ khí mà họ khó có thể lấy ra khỏi một khu vực quan trọng để chuyển đến một khu vực khác.Tàu the USS Abraham Lincoln vốn có nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang hướng đến vùng Vịnh. Tàu USS Dwight D. Eisenhower vừa mới trở về Norfolk (bang Virginia) sau một đợt triển khai kéo dài để chiến đấu với lực lượng Houthi ở Biển Đỏ.
Tình hình hiện nay có khả năng tiếp tục gây khó cho quân đội Mỹ khi muốn tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông John Miller, một phó đô đốc đã nghỉ hưu của Hải quân Mỹ, bình luận: “Điều này thách thức khả năng của chúng ta trong huy động toàn bộ số lượng trang thiết bị mà chúng ta muốn có ở khu vực đó của thế giới”.
Tuy nhiên, ông Miller cảnh báo rằng quân đội Mỹ vẫn có thể di chuyển các tài sản quân sự một cách nhanh chóng: “Chúng ta có thể di chuyển các cánh không quân từ Thái Bình Dương đến Trung Đông. Chúng ta có thể di chuyển các tàu từ Thái Bình Dương hoặc Đại Tây Dương đến Trung Đông trong thời gian ngắn mà thực sự không gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đó là một nỗ lực tốn kém và rất khó khăn cũng như mất thời gian để thay thế các tài sản mà chúng ta đã sử dụng. Chúng ta không thể tiếp tục chơi trò phòng thủ này, nơi mà chúng ta không bao giờ chuyển sang tấn công”.
Trong khi đó, khả năng Iran tấn công trả đũa Israel ngày một chắc chắn vào cuối tuần qua. Ngày 4/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Nhóm G7 rằng Iran có thể tấn công trong vòng 24 tiếng.
Về phần mình, Iran đã phát đi tín hiệu về ý định trả đũa, gửi các cảnh báo ngoại giao và thông báo an toàn. Đến sáng 5/8, Iran đã ban hành thông báo về đóng cửa không phận.
Hãng hàng không Đức Lufthansa đã hủy các chuyến bay đến Beirut, Tel Aviv và Tehran. Mỹ và nhiều quốc gia khác đã kêu gọi công dân rời khỏi Liban và các quốc gia lân cận khác càng sớm càng tốt.
Ông Bilal Saab, chuyên gia về các vấn đề an ninh Mỹ - Trung Đông tại tổ chức tư vấn Trends Research and Advisory (Tư vấn và Nghiên cứu Xu hướng), cho biết: “Đây là biểu hiện điển hình của hành động - phản ứng. Điều thực sự quan trọng không phải là bản thân Iran sẽ làm gì mà điều quan trọng là Israel sẽ làm gì để đáp trả. Tôi dự báo đợt ăn miếng trả miếng này sẽ không hoàn toàn mất kiểm soát, nhưng đồng thời, mỗi lần chúng ta trải qua những động thái này, nguy cơ leo thang sẽ cao hơn vì các mục tiêu ngày càng trở nên tham vọng hơn một chút”.
Iran có một số trở ngại nhất định khi tiến hành các cuộc tấn công trả đũa lớn vào Israel. Thứ nhất, họ có số lượng bệ phóng hạn chế, sẽ gặp tình trạng tắc nghẽn nếu muốn phóng một loạt tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình lớn. Tất nhiên, Iran cũng có thể sử dụng mạng lưới các lực lượng thân Iran, đặc biệt là Hezbollah ở Liban – nhóm vừa mất một chỉ huy cấp cao do bị Israel ám sát.
Nhưng Israel cũng đang tiến hành chiến tranh với Hamas ở Gaza kể từ ngày 7/10/2023, cũng như tham gia vào các cuộc tấn công trả đũa gần như hàng ngày với Hezbollah, khiến hệ thống phòng không Vòm Sắt của nước này bị thiệt hại. Israel đang tiếp tục cố gắng bổ sung các khẩu đội Vòm Sắt với sự giúp đỡ của Mỹ, nhưng một số chuyên gia lo ngại rằng một cuộc tấn công toàn diện từ Iran và Hezbollah có thể áp đảo hệ thống này.
Ông Miller nhận định: “Các quốc gia mà có tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái sẽ luôn có nhiều các loại vũ khí này hơn là các hệ thống tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái mà phương Tây dùng để đối phó”.
Nếu Iran quyết định thực hiện một cuộc tấn công ít tốn kém hơn, như sử dụng chủ yếu thiết bị bay không người lái Shahed thay vì tên lửa để tấn công Israel, thì các thiết bị bay không người lái di chuyển chậm có thể bị các hệ thống cảnh báo sớm phát hiện và tiêu diệt từng chiếc một.
Tuy nhiên, điều đó cần phải có sự giúp đỡ trong khu vực. Trong khi các đồng minh của Mỹ như Jordan có nhiều khả năng giúp đỡ, thì Ai Cập đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ không giúp Israel đối phó khi bị tấn công.
Tình hình khu vực Trung Đông căng thẳng hơn sau khi thủ lĩnh chính trị của Hamas là ông Ismail Haniyeh thiệt mạng trong một vụ oanh kích tại Iran. Vụ việc diễn ra chỉ vài giờ sau khi một chỉ huy hàng đầu của lực lượng Hezbollah tại Liban thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào thủ đô Beirut.