Israel không nên né tránh việc tiến hành chiến dịch quân sự để tiếp quản miền nam Liban nếu Hezbollah không rút khỏi biên giới, Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich tuyên bố hôm 19/5, trở thành quan chức mới nhất công khai thách thức Thủ tướng Benjamin Netanyahu về việc xử lý cuộc xung đột ở miền bắc và biên giới phía Nam, tờ Thời báo Israel đưa tin.
Phát biểu tại một cuộc họp của đảng Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái tôn giáo được tổ chức một cách bất thường ở miền bắc Israel, Bộ trưởng Smotrich, lãnh đạo của đảng này, đã đề nghị Thủ tướng Netanyahu đưa ra thông báo rõ ràng về kế hoạch đối phó với lực lượng Hezbollah thân Iran, nói rằng nếu cần thiết, Israel phải giải quyết bằng hành động quân sự.
Ông Smotrich nêu rõ: “Một tối hậu thư công khai phải được đưa ra cho Hezbollah rằng họ phải ngừng nổ súng hoàn toàn và rút toàn bộ lực lượng ra phạm vi ngoài sông Litani”.
Đề cập đến vấn đề an ninh của Israel ở miền nam Liban trong những năm sau Chiến tranh Liban lần thứ nhất năm 1982, Bộ trưởng Smotrich cảnh báo: “Nếu tối hậu thư không được đáp ứng đầy đủ, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ tiến hành một cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Liban để bảo vệ các cộng đồng phía bắc, bao gồm cả chiến dịch trên bộ và quân đội Israel sẽ tiếp quản khu vực phía nam Liban”.
Ông Smotrich nhấn mạnh: “Cách để đưa những cư dân [đã sơ tán] trở lại phía bắc là thông qua một chiến dịch quân sự với cuộc tấn công quyết liệt nhằm vào Hezbollah, phá huỷ cơ sở hạ tầng và cơ cấu quyền lực của tổ chức này”.
Kể từ ngày 8/10 năm ngoái, các lực lượng do Hezbollah lãnh đạo đã tấn công cộng đồng và đồn quân sự của Israel dọc biên giới gần như hàng ngày, nhóm này cho biết họ làm như vậy để hỗ trợ Hamas ở Gaza.
Đáp lại, Israel đe dọa tiến hành chiến tranh để buộc Hezbollah rút khỏi khu vực biên giới nếu lực lượng này tiếp tục tấn công các cộng đồng phía bắc của họ, nơi khoảng 70.000 người đã phải di tản để tránh giao tranh.
Những nỗ lực quốc tế bao gồm cả Pháp và Mỹ nhằm giải quyết vấn đề thông qua giải pháp ngoại giao cho đến nay đã thất bại, vì Hezbollah vẫn khẳng định sẽ không tham gia bất kỳ cuộc thảo luận cụ thể nào với Israel cho đến khi có lệnh ngừng bắn ở Gaza, nơi Israel đang chiến đấu với Hamas.
Bộ trưởng Smotrich cũng đưa ra hai yêu cầu liên quan đến Dải Gaza, mà ông nói là phản ứng trực tiếp với tối hậu thư do bộ trưởng nội các chiến tranh Benny Gantz đưa ra vào tối 18/5, biểu thị những rạn nứt ngày càng sâu sắc trong liên minh thời chiến.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Gantz nói với Thủ tướng Netanyahu rằng nếu không có kế hoạch hành động rõ ràng nào được đưa ra trước ngày 8/6 tới, ông sẽ rút các thành viên của đảng Đoàn kết Quốc gia trung dung của mình khỏi liên minh cầm quyền và quay trở lại phe đối lập.
Cho rằng chiến tranh đang đi chệch hướng, ông Gantz đã đặt ra các mục tiêu chiến lược để Israel hướng tới, bao gồm trao trả con tin, thay thế Hamas bằng cơ chế kiểm soát an ninh của Israel và cơ chế quản lý dân sự quốc tế, cũng như khôi phục an toàn cho phía bắc Israel trước ngày 1/9.
Kế hoạch của ông Gantz đã vấp phải sự phẫn nộ từ các thành viên cánh hữu trong chính phủ, bao gồm cả Bộ trưởng Smotrich, người đã nói ngay sau bài phát biểu của ông Gantz rằng Israel sẽ đạt được chiến thắng dù có hay không có ông Gantz.
Tăng cường chỉ trích đối với tối hậu thư của ông Gantz, Bộ trưởng Smotrich cho rằng tuyên bố của cựu Tổng tham mưu IDF Gantz là nhằm “chấm dứt chiến tranh, để Israel bị đánh bại ở phía bắc và để một nhà nước Palestine được thành lập theo yêu cầu của Mỹ”.
Một ngày sau khi hối thúc Thủ tướng Netanyahu “đưa ra quyết định chiến lược về việc Israel kiểm soát hoàn toàn Gaza”, ông Smotrich lại kêu gọi Israel thiết lập các điểm kiểm soát bổ sung “ở trung tâm, phía nam và phía bắc Dải Gaza”.
Thứ hai, ông Smotrich lập luận, Israel nên nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Rafah và thiết lập quyền kiểm soát lâu dài đối với cái gọi là "Hành lang Philadelphi" - chạy dọc biên giới Gaza với Ai Cập nhằm ngăn chặn vũ khí được tuồn vào vùng đất này.