Quá trình ‘phai nhạt tình yêu’ với gạo của người Nhật Bản

Một chi nhánh của chuỗi nhà hàng Yoshinoya ở Dojima (Osaka, Nhật Bản) nhộn nhịp tất bật vào giờ ăn trưa. Ngay khi một thực khách rời khỏi chỗ ngồi, người khác sẽ thế chỗ. Thực khách liên tục gọi món ăn đặc trưng của nhà hàng: gyūdon.

Chú thích ảnh
Các nhà hàng tại trung tâm Osaka (Nhật Bản). Ảnh: Getty Images

Phóng viên của tờ The Observer cũng tham gia vào cuộc đua, gọi một suất gyudon để ăn trưa gồm cơm, thịt bò và hành tây tẩm gia vị cùng các món ăn kèm là bắp cải muối và súp miso - tất cả chỉ với mức giá cực kỳ phải chăng ¥632 (4,44 USD).

Bát gyudon trong nhiều năm là biểu tượng của vòng xoáy giảm phát của Nhật Bản. Món ăn này là bữa trưa phổ biến với những nhân viên văn phòng eo hẹp về thời gian, ngân sách. Điều này không thay đổi ngay cả sau khi chuỗi nhà hàng Yoshinoya với khoảng 1.200 cửa hàng trên toàn Nhật Bản, tăng giá món ăn này vào năm 2021 lần đầu tiên sau 7 năm. Nhưng thời điểm hiện tại người Nhật đang giảm dần ăn các món cơm.

Cách nhà hàng Yoshinoya đoạn đi bộ ngắn, một tác phẩm điêu khắc bằng đá hình hạt gạo khổng lồ là lời nhắc nhở về mối liên hệ lịch sử của Osaka với loại ngũ cốc đã duy trì lâu dài nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Sàn giao dịch gạo Dojima là trung tâm buôn bán gạo của Nhật Bản trong thế kỷ 18 và 19, thời kỳ thịnh vượng chưa từng có đối với các nhà môi giới của Osaka khi giá gạo ấn định tại đây được loan báo, bằng cờ và người đưa thư, đến tận thủ đô Edo (Tokyo ngày nay).

Tuy nhiên, hiện nay vị trí của gạo tại Nhật Bản đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy giảm dân số, thay đổi lối sống và sự gia tăng các lựa chọn thay thế ngon miệng. Theo Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, mức tiêu thụ gạo hàng năm tại nước này đạt đỉnh điểm vào năm 1962, khi mỗi người tiêu thụ trung bình 118kg gạo, tương đương hơn 5 bát cơm cỡ trung bình mỗi ngày. Đến năm 2020, mức tiêu thụ bình quân đầu người đã giảm hơn một nửa xuống chỉ còn dưới 51kg. Và vào năm 2011, lần đầu tiên các hộ gia đình Nhật Bản chi nhiều hơn cho bánh mì so với gạo.

Chú thích ảnh
Một bát gyudon. Ảnh: Observer

Nguồn gốc của cái được gọi là kome banare (xa rời gạo) bắt nguồn từ những năm tăng trưởng kinh tế chóng mặt, khi người Nhật bắt đầu tiêu thụ nhiều sản phẩm làm từ lúa mì hơn, chẳng hạn như bánh mì, mì và sau đó là mì ống. Một số yếu tố đã kết hợp lại khiến gạo trở nên kém hấp dẫn hơn so với những năm sau chiến tranh, thời điểm lựa chọn thực phẩm ít có sự giao thoa giữa cái mới và cũ trong khi các hộ gia đình nhiều thế hệ trở thành tiêu chuẩn.

Sự gia tăng của các hộ gia đình độc thân và áp lực của công việc, cuộc sống gia đình khiến nhiều người đặt sự thuận tiện lên trên lòng trung thành với gohan - từ tiếng Nhật có nghĩa là cơm nấu chín. Ngày nay, bữa sáng điển hình của người Nhật thường có bánh mì nướng và trứng luộc thay vì món ăn truyền thống gồm cơm, cá nướng, súp miso và đồ muối chua.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của nhà phân phối gạo Makino, 84,8% người được hỏi cho biết họ ăn cơm hàng ngày, nhưng 68,1% phản hồi rằng họ chỉ ăn một lần trong ngày, chỉ 16,7% thích ăn cơm cả ba bữa. Nanami Mochida, một giáo viên gần Tokyo và là mẹ của một cô con gái tuổi thiếu niên, cho biết: “Ăn bánh mì dễ dàng hơn nhiều, đặc biệt là vào buổi sáng. Việc nấu một bữa sáng kiểu Nhật điển hình tốn nhiều thời gian hơn. Bạn cần phải vo gạo và rồi tốn 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ để nấu, thậm chí là khi có nồi cơm điện”.

Chú thích ảnh
Món "pizza bát gạo" tại một cửa hàng pizza ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AP

Shigeru, chủ sở hữu đời thứ ba của một cửa hàng bán gạo tại Fukushima nhận định: “Ngày nay có nhiều lựa chọn nên mọi người không còn nghĩ đến gạo khi chuẩn bị một bữa ăn”.

Tác giả cuốn “Food Sake Tokyo” (2010) - Yukari Sakamoto phân tích: “Người trẻ tuổi thích ăn đa dạng hơn, không chỉ là cơm truyền thống của Nhật Bản, súp miso và các món ăn kèm. Chúng mất nhiều thời gian để nấu so với bánh mì nướng và trứng hoặc một bát mì. Chất lượng bánh mì và số lượng cửa hàng bánh mì ngày càng tăng khiến việc lựa chọn bánh mì thay cơm trở nên dễ dàng hơn. Và gạo không rẻ, vì vậy bánh mì hoặc mì có giá phải chăng hơn đối với nhiều người”.

Với mức tiêu thụ trong nước đang suy giảm, xuất khẩu gạo của Nhật Bản đã tăng từ 4.515 tấn năm 2014 lên 22.833 tấn vào năm 2021 – tăng gấp 5 lần trong 7 năm, với 1/3 là xuất khẩu sang Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn chiếm chưa đến 0,5% sản lượng gạo sản xuất tại Nhật Bản, khiến các hợp tác xã nông nghiệp khuyến khích nhà hàng phục vụ nhiều món donburi (cơm bát) hơn, điển hình là món gyudon phổ biến.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Guardian)
Dịch vụ xin nghỉ việc 'cứu' nhiều nhân viên ở Nhật Bản 
Dịch vụ xin nghỉ việc 'cứu' nhiều nhân viên ở Nhật Bản 

Tại Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng về lòng trung thành với công ty và việc làm trọn đời, những người nhảy việc thường bị coi là những kẻ bỏ cuộc. Và điều đó cũng đáng xấu hổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN