ICJ cho hay do đại dịch COVID-19, phần tranh tụng sẽ diễn ra trực tuyến nhằm làm rõ những cáo buộc của UAE chống lại Qatar. Dự kiến, đại diện của UAE sẽ tham gia tranh tụng trước vào ngày 31/8, sau đó phía Qatar sẽ trả lời vào ngày 2/9. Theo kế hoạch, phiên tranh tụng giữa Qatar và UAE kéo dài trong 1 tuần.
Hồi năm 2017, Saudi Arabia, Bahrain, UAE, Ai Cập và một số quốc gia đồng minh khác đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc chính quyền Doha ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực và can thiệp công việc nội bộ của những nước này và hậu thuẫn các nhóm gây bất ổn chính trị. Qatar đã bác bỏ mọi cáo buộc trên và một năm sau đó đệ đơn kiện UAE lên ICJ.
Doha cho rằng Abu Dhabi có hành động phân biệt đối xử với công dân Qatar, gồm trục xuất người dân nước này ra khỏi UAE và ban hành lệnh đóng cửa không phận và các hải cảng. Theo Doha, những hành động này đã vi phạm Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD). Nhiều nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy, song cho đến nay chưa mang lại kết quả.
Vào năm 2018, ICJ đã ra phán quyết yêu cầu UAE có biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ quyền của công dân Qatar, đồng thời tạm hoãn phiên tranh tụng giữa hai nước này. Nhiều khả năng, phải mất nhiều năm nữa, ICJ mới có thể đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ tranh cãi giữa Qatar và các nước vùng Vịnh.
Hồi tháng 7 vừa qua, ICJ đã ủng hộ Qatar trong vụ tranh cãi riêng rẽ với 4 quốc gia láng giềng gồm Bahrain, Ai Cập, Saudi Arabia và UAE liên quan đến lệnh đóng cửa không phận của những nước này đối với Doha kể từ năm 2017. Theo đó, ICJ đã bác đơn kháng cáo của 4 nước trên về quyết định của Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) ủng hộ Qatar liên quan chủ quyền không phận.