Kênh truyền hình al Jazeera TV ngày 5/6 đưa tin Bộ Ngoại giao Qatar cho rằng quyết định nói trên của các quốc gia Vùng Vịnh là "vô lý" và dựa trên những cáo buộc "vô căn cứ". Doha khẳng định đây là một sự "vi phạm chủ quyền", đồng thời cam kết với người dân nước này rằng động thái trên sẽ "không ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của họ".
Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani. Ảnh: Reuters |
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi các nước Vùng Vịnh đoàn kết và giải quyết bất đồng. Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm "2+2" giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ và Australia tại thành phố Sydney, Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ Washington "khuyến khích các bên ngồi lại với nhau để giải quyết những bất đồng" và "Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) duy trì đoàn kết".
Ông Tillerson cũng cho biết, mặc dù tình hình đang rơi vào "thế bế tắc", nhưng ông mong đợi điều này sẽ không "gây ra bất kỳ tác động lớn nào tới cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực và trên toàn thế giới".
Trong một diễn biến khác liên quan cùng ngày, Phó Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Iran, ông Hamid Aboutalebi, cho rằng quyết định của các nước nói trên sẽ không giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Trung Đông. Theo ông, cắt đứt quan hệ ngoại giao và đóng cửa biên giới không phải là cách giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trước đó cùng ngày, 4 nước Vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo
cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. Trong khi đó, liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia đứng đầu chống phiến quân tại Yemen cũng thông báo sẽ chấm dứt tư cách thành viên của Qatar.
Tiếp sau các động thái này, mới đây nhất, hãng hàng không Etihad Airways của UAE đã quyết định ngừng các chuyến bay tới Qatar kể từ ngày 6/6. Đại diện Etihad Airways cho biết sẽ áp đặt biện pháp này tới khi nào "có thông báo tiếp theo". Hàng hàng không này hiện khai thác 4 chuyến bay tới Doha mỗi ngày.
Các hãng hàng không của 3 nước còn lại dự kiến cũng sẽ đưa ra các quyết định tương tự.