Phong tục đón Tết truyền thống ở 'xứ sở kim chi'

Seollal là tên gọi Tết Nguyên đán của người Hàn Quốc, một trong hai ngày Tết lớn nhất ở Hàn Quốc (cùng với Chuseok – Tết Trung thu).

Chú thích ảnh
Người dân Hàn Quốc mặc hanbok và chơi trò chơi dân gian dịp tết Seollal. Ảnh: Wikipedia

Cũng giống như người Việt Nam, người Hàn Quốc đón Tết cổ truyền vào ngày 1 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đối với người Hàn Quốc, Seolla không chỉ là đánh dấu một năm mới, đây còn là dịp đặc biệt để người Hàn Quốc nhớ về tổ tiên và gặp gỡ những thành viên trong gia đình. Trong những ngày Tết truyền thống, người Hàn Quốc thường mặc hanbok (trang phục truyền thống của người Hàn Quốc), thực hiện các nghi lễ của tổ tiên, chơi các trò chơi dân gian, ăn các món ăn truyền thống, nghe kể chuyện và gặp gỡ mọi người. Có rất nhiều thứ cần phải chuẩn bị cho Seollal, đặc biệt là thực phẩm, phương tiện đi lại và quà tặng. Chỉ riêng đồ thờ cúng và quà tặng cũng đã có quá nhiều thứ phải chuẩn bị, do đó mà những ngày gần Tết ở chợ và các cửa hàng bách hóa thường chật cứng người mua đồ. Thực phẩm dùng cho thờ cúng thường có các loại rau, thịt, cá, trái cây được lựa chọn kỹ càng về hình dáng, màu sắc và độ tươi.

Việc quan trọng khác cần chuẩn bị trước Seollal, đặc biệt là đối với những người ở xa quê, là thu xếp việc đi lại. Việc đặt vé tàu xe cũng rất khó khăn do có quá nhiều người muốn trở về quê hương ăn Tết trong khi đi lại bằng xe ô tô riêng vào dịp này có thể mất thời gian gấp hai đến bốn lần bình thường do mật độ giao thông quá đông. Vì lý do này mà ở Hàn Quốc có kênh phát thanh riêng để thông báo mật độ giao thông theo thời gian tại các điểm nút giao thông trong những ngày trước Tết.

Hầu hết người dân Hàn Quốc rời các thành phố lớn để về quê ăn Tết, song gần đây có một xu hướng mới phát triển là cha mẹ ở quê sẽ lên thành phố ăn Tết cùng con cái để tránh sự bất tiện.

Các món quà Tết thường thay đổi mỗi năm tùy thuộc vào tình hình kinh tế và xu hướng tặng quà. Nhưng món quà phổ biến nhất thường là tiền mặt và thẻ mua quà tặng ở các siêu thị hay trung tâm thương mại. Quà cho cha mẹ thường là nhân sâm, mật ong, sản phẩm sức khỏe và ghế massage. Ngoài ra có thể tặng dầu gội đầu, xà phòng tắm, kem đánh răng… hoặc thịt hộp, cá ngừ, bánh truyền thống, cá khô hoặc trái cây.

Các món ăn ngày Tết đối với người Hàn Quốc đặc biệt quan trọng. Các gia đình thường mất cả ngày trước Tết để chuẩn bị thực phẩm dùng làm đồ cúng cũng như để ăn uống cho gia đình. Người Hàn Quốc tin rằng đồ thờ cúng ngon và trình bày đẹp sẽ làm hài lòng ông bà tổ tiên, do đó mà rất cẩn thận trong việc chuẩn bị đồ cúng. Có khoảng 20 loại món ăn khác nhau được bày trên bàn thờ, tùy theo vùng miền mà các món có thể khác nhau. Việc chuẩn bị đồ ăn trong gia đình thường là việc của phụ nữ, nhưng ngày nay nhiều gia đình Hàn Quốc đã san sẻ công việc này cho các thành viên khác, hoặc đơn giản là thuê các dịch vụ cung cấp thực phẩm với giá cả dao động từ 200.000 ~ 300.000 won. Đây là xu hướng mới được các bà nội trợ trẻ đặc biệt yêu thích vì nó giảm được gánh nặng phải chuẩn bị đồ cúng.

Chú thích ảnh
Mâm cúng tổ tiên của người Hàn Quốc trong tết Seollal. Ảnh: Korea Tuorism Organization

Buổi sáng đầu năm mới được bắt đầu bằng nghi lễ cúng tổ tiên. Toàn bộ các thành viên trong gia đình ăn mặc chỉnh tề (thường là hanbok), tập trung trước bàn thờ cúi lạy trước vong linh của tổ tiên, cầu ông bà tổ tiên mang đến cho cả gia đình một năm mới an khang thịnh vượng. Sau lễ cúng gia tiên, mọi người trong gia đình cùng thưởng thức đồ cúng. Món ăn chính trong ngày đầu năm mới là tteokguk, canh bánh gạo truyền thống được làm từ bánh gạo thái lát, thịt bò, trứng và rau. Người Hàn Quốc tin rằng ăn tteokguk trong ngày đầu năm mới là lớn thêm một tuổi. Do đó mà người ta có thể hỏi tuổi của nhau một cách vui vẻ bằng câu: “Cậu ăn bao nhiêu lần tteokguk rồi?”

Sau bữa ăn, các thế hệ trẻ trong gia đình cùng bái lạy người già và tặng quà. Sau đó, ông bà chúc con cháu một năm mới thịnh vượng. Quà năm mới cho trẻ em thường là sebaetdon (tiền mừng tuổi). Thời gian còn lại trong ngày, các thành viên trong gia đình cùng chơi các trò chơi dân gian, ăn uống và trò chuyện. Seollal là dịp để cả gia đình cùng tham gia các hoạt động vui vẻ. Trò chơi phổ biến nhất là Yutnori, tương tự như trò chơi cá ngựa ở Việt Nam, các bước di chuyển phụ thuộc vào kết quả tung 4 thanh gỗ (thay cho các viên xúc xắc). Trò chơi này rất dễ nên cả gia đình cóthể cùng chơi bằng cách chia đội để cá cược. Ngoài ra còn có các trò chơi khác như Jegichagi (đá cầu), Neoltwiggi (bập bênh), Tuho (ném mũi tên) và Yeon-naligi (thả diều). Cuối ngày các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau xem phim hoặc các chương trình truyền hình đặc biệt được phát sóng trong dịp Tết.

Chú thích ảnh
Không khí đón năm mới ở Seoul.

Năm nay, để giúp người dân giải trí và cảm thấy thoải mái khi phải ở nhà tránh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong kỳ nghỉ Năm mới, chính quyền đã sản xuất nhiều chương trình văn hóa đặc biệt và đưa lên Youtube và NAVER TV, hai kênh thông tin giải trí được nhiều người Hàn Quốc sử dụng nhất. Đây là các chương trình văn hóa tạp kỹ với sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng Seoul, nhiều ca sĩ và nhóm nhạc K-Pop nổi tiếng xứ sở kim chi như Hwang Chiyeul, MCND, TXT và Na Taejoo đáp ứng thị hiếu âm nhạc của mọi lứa tuổi. Các chương trình biểu diễn được tiến hành tại các địa điểm văn hóa của Seoul và được dàn dựng, quay công phu với những công nghệ hiện đại nhất, mang lại cho khán giả cảm giác như đang xem các buổi trình diễn trực tiếp và như được tới tận nơi khám phá những địa điểm này. Chính quyền thành phố Seoul cũng sản xuất các chương trình truyền hình bao gồm một số vở kịch và các buổi biểu diễn nghệ thuật đường phố ghi lại mọi ngóc ngách của thành phố.

Xu hướng đón Tết bằng cách đi du lịch nở rộ trong mấy năm trước ở Hàn Quốc, năm nay bị cản trở bởi đại dịch COVID-19.

Người dân không thể xuất cảnh và nhập cảnh dễ dàng trong khi các khu trượt tuyết, vui chơi mùa đông bị đóng cửa. Mặc dù người dân vẫn có thể đến thăm các làng truyền thống, cung điện và các bảo tàng vào dịp Tết truyền thống, song vì dịch bệnh nên nhiều chương trình biểu diễn và các sự kiện dành cho gia đình sẽ không được tổ chức bởi quy định hạn chế tụ tập đông người của Chính phủ.

Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Seoul)
Tết ấm hơn trong đùm bọc, sẻ chia
Tết ấm hơn trong đùm bọc, sẻ chia

Cô em họ gọi điện thoại cho tôi, giọng lạc đi: “Chị ơi, mấy héc-ta đào em “ôm” ở Hải Dương, định tranh thủ nghỉ tết sớm mang lên Hà Nội bán, nay..."

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN