Philippines thêm 634 ca, Indonesia thêm 1.591 ca mắc COVID-19

Ngày 14/7, Bộ Y tế Philippines cho biết đã ghi nhận thêm 634 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 6 người tử vong. Đây là ngày có số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong gần hai ngày qua. 

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm dịch COVID-19 trước khi lên tàu tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này là 57.545 người, trong đó có 1.603 trường hợp tử vong. 

Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia thông báo đã ghi nhận thêm 1.591 ca mắc COVID-19 và 54 trường hợp tử vong. Như vậy, tính tới nay, Indonesia ghi nhận 78.572 người mắc COVID-19, trong đó có 3.710 người tử vong. 

Đáng chú ý, theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, một "ổ dịch" lớn đã được phát hiện tại Đài Phát thanh quốc gia Indonesia (RRI), chi nhánh Surabaya, tỉnh Đông Java. Chi nhánh Liên minh Các nhà báo độc lập (AIJ) ở thành phố Surabaya cho biết đã có 57 nhà báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 3 người tử vong. 54 trong tổng số 57 người mắc COVID-19 nói trên là nhân viên Đài Phát thanh quốc gia Republik Indonesia (RRI), chi nhánh Surabaya. Ngoài ra, còn có 6 người có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2.  

Theo người đứng đầu AIJ Surabaya, ông Miftah Faridl, Ban quản lý RRI đã hợp tác với Cơ quan Y tế Surabaya để thực hiện xét nghiệm PCR cho hàng trăm nhân viên RRI trong ngày 26/6. Tuy nhiên, sau một thời gian không nhận được kết quả, RRI đã quyết định đề nghị Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) tiến hành một đợt xét nghiệm PCR khác vào ngày 6/7. Kết quả được BNPB thông báo vào ngày 7/7 cho thấy tất cả các nhân viên của RRI Surabaya đều âm tính. Tuy nhiên, vào ngày 11/7, Cơ quan Y tế Surabaya đã công bố kết quả xét nghiệm PCR, với 54 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và chỉ 2 người trong số này được nhập viện điều trị. Do các kết quả xét nghiệm PCR trái ngược nhau, Ban quản lý RRI đã tổ chức đợt xét nghiệm thứ ba vào ngày 13/7 với các kết quả như trên. 

Ông Faridl cho rằng nguyên nhân khiến nhiều nhà báo và nhân viên truyền thông ở Surabaya nhiễm COVID-19 là do nhiều người không tuân thủ các giao thức y tế và tham dự các sự kiện lớn hoặc các cuộc họp báo đông người, cũng như các công ty truyền thông, báo chí mà không có các biện pháp đảm bảo dịch tễ cho nhân viên.

Từ cuối tháng 5 vừa qua, tỉnh Đông Java đã trở thành tâm dịch mới của Indonesia, với 16.877 ca lây nhiễm, trong đó gần 1/2 trong số này là ở tại thành phố Surabaya.

Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Indonesia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề nghị lực lượng chức năng nước này tiến hành thêm các xét nghiệm PCR đối với những người nghi ngờ mắc COVID-19. Website Dentik.com dẫn tuyên bố của WHO cho biết ghi nhận việc Indonesia tăng cường các xét nghiệm. Tuy nhiên, các xét nghiệm này hiện mới chỉ thực hiện đối với những người dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, có nhiều bệnh nhân tử vong khi đang được theo dõi. Do đó, các xét nghiệm PCR cần được ưu tiên cho những người này hơn là thực hiện các xét nghiệm đối với những người đã được ra viện. 

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với tác động của dịch COVID-19, Chính phủ Indonesia đã "bơm" thêm 14.130 tỷ rupiah (995 triệu USD) cho 3 doanh nghiệp nhà nước, gồm Công ty Điện lực Perusahaan Listrik Negara (PLN), nhà điều hành đường cao tốc thu phí PT Hutama Karya và công ty tài chính PT Permodalan Nasional Madani (PNM). Chính phủ Indonesia cho biết việc "bơm" thêm vốn chủ sở hữu sẽ giúp ba công ty quốc doanh này cải thiện cấu trúc vốn và tăng năng lực kinh doanh. 

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Chính phủ Thái Lan đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với các nhà ngoại giao nước ngoài và các đại diện kinh doanh đặc biệt, trong bối cảnh 2 người nước ngoài mắc COVID-19 nhập cảnh vào nước này có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. 

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin đã công bố việc đình chỉ nhập cảnh Thái Lan đối với những người nước ngoài và các đại diện thương mại được hưởng đặc quyền theo những dàn xếp đặc biệt cũng như các nhà ngoại giao nước ngoài cùng thân nhân. Theo ông Taweesilp, lệnh cấm tạm thời này sẽ có hiệu lực trong khi CCSA nỗ lực bịt những lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Các nhân viên ngoại giao và người thân khi đến Thái Lan có thể sẽ phải nghỉ lại những cơ sở cách ly thay thế được Chính phủ dàn xếp trong 14 ngày.

Quyết định của CCSA được đưa ra để ứng phó với trường hợp con gái 9 tuổi của một tùy viên Sudan ở Bangkok được phát hiện mắc COVID-19. Mẹ của bé gái này đã đưa gia đình gồm 5 người đi kiểm tra y tế ở Sudan hôm 7/7 và họ được phép đi lại. Những người này rời Sudan cùng ngày và tới Thái Lan sáng 10/7 trên cùng chuyến bay chở 245 công dân Thái Lan hồi hương. Khi tới Thái Lan, gia đình này không có triệu chứng, nhưng được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Kết quả cho thấy bé gái 9 tuổi mắc COVID-19. 

Bên cạnh đó, CCSA cũng đã hủy 8 chuyến bay của Không quân Ai Cập dự kiến tới Thái Lan trong tháng 7 này sau khi 1 binh sĩ Ai Cập trong phái đoàn gồm 31 người quá cảnh và nghỉ lại Thái Lan hồi tuần trước được xác nhận mắc COVID-19.

Trong ngày 14/7, Thái Lan ghi nhận thêm 7 ca mắc COVID-19 từ nước ngoài, tất cả đều là công dân Thái Lan hồi hương, gồm 6 người từ Ai Cập và 1 người từ Mỹ. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 3.227 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 trường hợp tử vong. Trong 50 ngày qua, quốc gia Đông Nam Á này không ghi nhận các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Hữu Chiến - Ngọc Quang - Ngọc Hà (TTXVN)
Bang Victoria của Australia công bố kế hoạch ứng phó toàn diện dịch COVID-19
Bang Victoria của Australia công bố kế hoạch ứng phó toàn diện dịch COVID-19

Ngày 14/7, chính quyền bang Victoria của Australia đã công bố một kế hoạch ứng phó toàn diện nhằm ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN