Phi công máy bay MH370 tự sát?

Ngày 26/3, một chuyên gia an ninh hàng không của Ấn Độ nhận định thảm kịch của chiếc máy bay mất tích số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines có điểm tương tự với 2 thảm kịch hàng không khác, trong đó các phi công của 2 máy bay này đã tự sát bằng cách lao máy bay xuống sông và xuống biển.

Trong một bài báo đăng trên nhật báo "The Hindu", cơ trưởng A. Ranganathan, một cựu huấn luyện viên phi công đồng thời là chuyên gia về an toàn hàng không, cho rằng chuỗi sự kiện được hé lộ cho thấy "có yếu tố bí hiểm tương tự" với 2 thảm kịch hàng không trước đây tại Indonesia và Ai Cập, khi 2 phi công tự sát.

Máy bay Australia tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 25/8/1999, chiếc máy bay mang số hiệu MI185 của hãng hàng không SilkAir của Indonesia đã lao xuống sông Musi ở Sumatra, mang theo sinh mạng của 104 người. Indonesia kết luận "hành vi can thiệp trái luật của con người" có thể là nhân tố dẫn đến tai nạn của máy bay và giả thiết này đã được các điều tra viên Mỹ xác nhận.

Ngày 31/10/2009, máy bay 990 của hãng hàng không EgyptAir (Ai Cập) đã rơi xuống Đại Tây Dương khi phi công cố ý điều khiển máy bay lao xuống biển, làm 217 người trên máy bay thiệt mạng.

Theo ông Ranganathan, phi công phụ của máy bay mang số hiệu MH370 đã sát hại mọi người trên máy bay bằng cách giảm áp suất đột ngột, khiến họ bị "chết não" chỉ trong 15 giây, trong khi buồng lái có nguồn cung cấp ôxy vô tận.

Trong tình huống này, viên phi công phụ đã cho máy bay đột ngột hạ thấp độ cao xuống khoảng 3.600 mét, khiến mọi người trên máy bay bị "chết não" và không ai có thể cản trở anh ta chuyển hướng máy bay, tương tự như tình huống chiếc máy bay UA93 của hãng hàng không United Airlines của Mỹ đã gặp phải trong vụ tấn công khủng bố 11/9/2001.

Cũng trong ngày 26/3, ba tàu chiến của Trung Quốc đã tới khu vực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia ở Nam Ấn Độ Dương, cách thành phố Perth của Australia khoảng 1.100 hải lý về phía Tây.

Khu vực tìm kiếm của đội tàu Trung Quốc, gồm tàu tiếp liệu Thiên Đảo Hồ, tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu và tàu đổ bộ Côn Luân Sơn, là vùng biển rộng 29.000 km2 gần tọa độ 96 độ kinh Đông và 43 độ vĩ Nam. Đội tàu đã tìm kiếm bằng phương pháp quan sát kết hợp với các phương tiện như rađa, thiết bị quang học, đồng thời điều trực thăng tiến hành tìm kiếm từ trên không. 


Triển khai hành động pháp lý


Ngày 26/3, công ty luật Ribbeck Law Chartered International của Mỹ cho biết đã xúc tiến các thủ tục pháp lý "nhiều triệu USD" chống lại hãng hàng không Malaysia Airlines và tập đoàn Boeing liên quan tới vụ máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia bị mất tích hôm 8/3 vừa qua. Động thái có thể đánh dấu bước khởi động của một cuộc chiến pháp lý đắt đỏ liên quan tới chiếc máy bay bị mất tích.


Công ty có trụ sở ở Chicago nói trên khẳng định đã đệ đơn lên một tòa án ở bang Illinois hôm 25/3 và đang tìm kiếm các tài liệu liên quan tới các lỗi về thiết kế cũng như kỹ thuật hoặc cách quản lý của hãng hàng không Malaysia Airlines có thể là nguyên nhân dẫn tới vụ thảm họa này.


Trong một tuyên bố được đưa ra tại Kuala Lumpur, công ty trên cho biết: "Chúng tôi tin rằng cả hai bị đơn (gồm Malaysia Airlines và tập đoàn Boeing) đều bị liệt vào danh sách chịu trách nhiệm về vụ thảm họa hàng không này. Điều hết sức quan trọng đối với các nạn nhân mà chúng tôi đại diện là toàn bộ các bên có trách nhiệm đều phải bị đưa ra xét xử mà không có ngoại lệ".



T.N (theo THX)

Nối lại hoạt động tìm kiếm máy bay Malaysia
Nối lại hoạt động tìm kiếm máy bay Malaysia

Hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines đã được nối lại ở vùng biển phía Tây Australia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN