Ngày 15/12, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi hiến pháp Ai Cập, Amr Moussa đã kêu gọi những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tham gia cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp dự kiến diễn ra vào ngày 14-15/1 tới.Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour (trái) và Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp Amr Moussa trước khi thông báo về thời điểm trưng cầu dân ý, tại Cairo ngày 14/12. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn phát biểu của ông Moussa tại một cuộc họp báo khẳng định rằng bản hiến pháp mới dành cho toàn thể người dân Ai Cập và không loại trừ bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào. Ông Moussa nhấn mạnh những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi "cần thể hiện mong muốn đồng hành cùng người dân và là một phần của dân tộc, đồng thời cần hợp tác để đưa Ai Cập thoát khỏi tình trạng hỗn loạn hiện nay".
Tuy nhiên, ông Moussa cảnh báo rằng người dân Ai Cập đã quá chán ngán tình trạng bạo lực cũng như việc gián đoạn cuộc sống thường nhật do các cuộc biểu tình đường phố của phe Hồi giáo tại Cairo và các thành phố lớn khác trên khắp cả nước. Ông hối thúc chính phủ lâm thời và phe Hồi giáo thể hiện quyết tâm tham gia hòa giải "một cách vô điều kiện" trước cuộc trưng cầu ý dân sắp tới, đồng thời dự đoán hiến pháp mới sẽ được thông qua với 70% số phiếu ủng hộ.
Trước đó, ngày 1/12, Ủy ban sửa đổi hiến pháp Ai Cập đã thông qua bản dự thảo cuối cùng của hiến pháp mới gồm tổng cộng 247 điều khoản, hoàn tất bước đầu tiên trong tiến trình chuyển tiếp chính trị sau cuộc chính biến ngày 3/7 lật đổ chính quyền của ông Mohamed Morsi. Tổng thống lâm thời Atly Mansour đã kêu gọi người dân tích cực đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp mới vào hai ngày 14-15/1 tới.
Hiện dư luận Ai Cập chia thành hai luồng ý kiến trái ngược nhau về cuộc trưng cầu ý dân này. Một số nhóm chính trị như phong trào Tamarod - lực lượng đứng sau làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ hôm 30/6 dẫn tới việc quân đội ra lệnh phế truất Tổng thống Mohamed Morsi - và đảng Salafist Al-Nour ủng hộ hoạt động bỏ phiếu và đã khởi động chiến dịch vận động ủng hộ bản dự thảo hiến pháp. Ngược lại, phe Hồi giáo ủng hộ ông Morsi phản đối bản dự thảo hiến pháp cũng như việc tổ chức trưng cầu ý dân, song vẫn chưa chính thức công bố sẽ kêu gọi tẩy chay cuộc bỏ phiếu này hay bỏ phiếu chống lại bản hiến pháp mới.
Hãng thông tấn chính thức MENA ngày 15/12 cho biết 200.000 cảnh sát và binh sĩ sẽ được huy động để bảo vệ các điểm bỏ phiếu cũng như các cơ sở trọng yếu trên toàn quốc.
Cùng ngày, Ủy ban bầu cử trung ương Ai Cập (HEC) cho biết 6 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện và đã được chấp thuận tham gia giám sát cuộc trưng cầu ý dân. Ngoài ra, hiện có 108 tổ chức phi chính phủ trong nước đã nộp đơn tham gia giám sát cuộc bỏ phiếu này.
TTXVN/Tin tức