Phe Cộng hòa Mỹ công bố gói cứu trợ mới trị giá 1.000 tỉ USD

Phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ ngày 27/7 đã công bố kế hoạch cứu trợ kinh tế mới trị giá khoảng 1.000 tỉ USD để thúc đẩy nền kinh tế số 1 thế giới vốn đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell công bố dự luật về gói cứu trợ mới. Ảnh: Xinhua

Đây là kết quả sau nhiều ngày đàm phán giữa thủ lĩnh đảng Cộng hòa tại Thượng viện với các cố vấn của Tổng thống Trump nhằm giải quyết những bất đồng trong nội bộ đảng cầm quyền về quy mô, cấp độ của gói chi tiêu liên bang bổ sung này. Kế hoạch cứu trợ mới do phe Cộng hòa đệ trình có một số điểm đáng chú ý sau:

1. Trợ cấp thất nghiệp: Tiếp tục được gia hạn, nhưng có điểm mới là chi trả 70% lương cá nhân thay vì mức 600 USD/tuần được thực hiện theo gói kích thích kinh tế thứ 4 quy mô tầm 2.000 tỉ USD (Đạo luật CARES công bố hồi đầu năm nay).

Các bang sẽ có 2 tháng để thực hiện bước chuyển đổi này. Trong thời gian chuyển tiếp, người thất nghiệp sẽ nhận được 200 USD/tuần và chờ đến thời điểm các bang đáp ứng mức trợ cấp 70% lương - tính cả mức trợ cấp liên bang. 

2. Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP): Sẽ tiếp tục được thực hiện để tạo động lực giúp các công ty duy trì việc làm, giữ chân người lao động. Các doanh nghiệp nhỏ với số lượng nhân viên dưới 300 người và doanh thu bị sụt giảm từ 50% trở lên sẽ được tiếp cận khoản vay thứ hai, không kể khoản vay từ đạo luật CARES. 

3. Gói hỗ trợ bằng séc: Được tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn ghi trong Đạo luật CARES. Khoản tri trả bằng séc trực tiếp trị giá 1.200 USD sẽ được gửi thẳng cho các cá nhân có mức thu nhập dưới 75.000 USD/năm. 

4. Hỗ trợ học sinh, trường học: Đây là một ưu tiên chủ chốt của Nhà Trắng, với gói tài chính hỗ trợ khoảng 105 tỉ USD và được cho là sẽ có tác động tích cực tới các doanh nghiệp. Khoảng 70 tỉ USD sẽ được dùng để hỗ trợ học sinh từ cấp mẫu giáo đến lớp 12, 30 tỉ USD dành cho giáo dục đại học và khoảng 5 tỉ USD sẽ được cấp cho các bang, giúp thống đốc có nguồn chi tiêu linh hoạt. Mục tiêu của nội dung này là giúp các trường học của Mỹ có thêm động lực mở cửa đón học sinh trở lại trong năm học mới sắp tới.

5. Chi phí xét nghiệm COVID-19: Khoảng 16 tỉ USD sẽ được rót cho danh mục này. 

Ngoài ra, gói cứu trợ mới cũng đề cập đến bảo đảm tài sản, chi trả chi phí bảo hiểm cho những đối tượng chịu tác động thực chất hoặc có nguy cơ lây nhiễm từ dịch bệnh COVID-19. 

Đảng Cộng hòa được kỳ vọng, kế hoạch mới - được biết đến dưới tên gọi Dự luật trợ giúp y tế, kinh tế, bảo đảm tài sản, trường học (HEALS Act), sẽ nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ và được ký ban hành vào trung tuần tháng 8. Tuy nhiên, mốc thời gian này có thể sẽ thay đổi, do đảng Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa chưa đồng thuận về một số điểm chủ chốt trong dự luật. 

Công bố gói cứu trợ mới chỉ là bước đầu tiên. Tiến trình thảo luận được dự báo sẽ còn phức tạp, khi phe Dân chủ cũng đang theo đuổi một kế hoạch kích thích kinh tế riêng, với quy mô lên đến 3.500 tỉ USD. Các cuộc thảo luận giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã được mở ngay trong tối ngày 27/7.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cùng với thủ lĩnh phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đã có cuộc gặp kéo dài trong hai giờ với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows.

“Chúng tôi sẽ gặp lại vào ngày mai. Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận tốt đẹp, hiệu quả”, ông Meadows bình luận khi rời phòng họp. Còn bà Pelosi bày tỏ thất vọng với gói kích thích mà đảng Cộng hòa vừa đề xuất, cho rằng kế hoạch mang tính tiếp cận nửa vời, quy mô không đủ để đáp ứng nhu cầu của đất nước trong bối cảnh hiện nay. 

Khó khăn còn đến từ ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa. Nhiều thượng nghị sĩ bảo thủ đã chỉ trích chính những đồng nghiệp trong đảng khi số này ủng hộ một gói chi tiêu kinh tế khác chống COVID-19. Thượng nghị sĩ McConnell đặt ra mức trần 1.000 tỉ USD của gói cứu trợ mới là muốn giảm chỉ trích từ số thượng nghị sĩ “diều hâu” về tài khóa, không muốn chi tiêu quá tay. 

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox News, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cho biết Dự luật HEALS sẽ đối diện với “một cuộc đào tẩu” nghiêm trọng trong đảng, khi “một nửa số nghị sĩ Cộng hòa có thể bỏ phiếu trống. Đó là sự thật”.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Bloomberg, Axios)
Giá dầu thế giới đi lên nhờ hy vọng về nỗ lực kích thích kinh tế của Mỹ
Giá dầu thế giới đi lên nhờ hy vọng về nỗ lực kích thích kinh tế của Mỹ

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch 27/7, nhờ hy vọng vào các nỗ lực kích thích nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế bởi số ca nhiễm mới dịch COVID-19 tăng cao và căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ-Trung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN