Các bác sỹ ngày 15/5 cho biết ca phẫu thuật nhằm giữ lại mạng sống cho một em bé Ấn Độ mắc phải một chứng rối loạn hiếm thấy khiến cho đầu của cô bé to gấp đôi kích cỡ bình thường, đã thành công tốt đẹp.
Các bác sĩ đang tiến hành nghiên cứu tình trạng của bệnh nhi 15 tháng tuổi Roona Begum. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong phòng mổ ở một bệnh viện tại New Delhi, sau ca phẫu thuật kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, bác sỹ Sandeep Vaishya nói: “Ca phẫu thuật diễn ra một cách hoàn hảo, tốt đẹp hơn cả mong đợi”.
Bé Roona Begum, 15 tháng tuổi, sinh sống cùng gia đình ở một ngôi làng xa xôi tại bang đông bắc Tripura của Ấn Độ. Từ lúc sinh ra Roona đã mắc bệnh não úng thủy (dịch lỏng hình thành bên trong não khiến đầu to dần). Các bác sĩ địa phương đã đề nghị gia đình đưa cô bé đến một bệnh viện tư ở thành phố, nhưng do chi phí quá cao nên việc điều trị của Roona vẫn bị chậm trễ.
Hoàn cảnh gia đình của Roona rất khó khăn. Bố của em, Abdul Rahman, một thanh niên mù chữ chỉ kiếm được 150 rupee (khoảng 60.000 đồng Việt Nam) một ngày. May thay, một bệnh viện tư ở ngoại ô Delhi đã quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí cho ca phẫu thuật này.
Bệnh não úng thủy khiến đầu Roona có chu vi tới 94cm, gây áp lực lên não và khiến bé không thể ngồi dậy hay trườn bò. Bác sỹ Vaishya tính toán khối lượng của dịch lỏng trong đầu cô bé bằng khoảng nửa trọng lượng cơ thể. Thêm vào đó, Roona còn đang mắc một chứng bệnh về da đầu.
Sau khi nghiên cứu kĩ tình trạng của Roona, bác sỹ Vaishya đã quyết định thực hiện ca mổ phức tạp giúp cô bé thoát khỏi tình trạng hiểm nghèo. Các bác sỹ cho biết Roona sẽ còn phải tiếp tục được chăm sóc phục hồi toàn diện để có thể có được một cuộc sống bình thường. Bác sỹ Vaishya cũng cho biết “vẫn còn quá sớm để nói trước tương lai của cô bé sẽ như thế nào”.
Hiện các nhà hảo tâm trên khắp thế giới đang tiến hành gây quỹ ủng hộ cho Roona và gia đình của em để giúp họ trang trải các chi phí sau ca phẫu thuật. Theo thống kê, tần suất xuất hiện của căn bệnh não ủng thủy là 1 trong 500 trẻ, ở mức độ khác nhau.
A.M (Theo AFP)