Với hy vọng việc nghiên cứu về môi trường mà virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại sẽ giúp hiểu hơn về cách thức virus này phát tán trên toàn cầu, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Lan Châu (Trung Quốc) đã nghiên cứu mối quan hệ giữa các ca mắc COVID-19 hằng ngày và các điều kiện khí tượng trong đó bao gồm nhiệt độ và độ ẩm, dựa trên dữ liệu của khoảng 3,75 triệu ca mắc COVID-19 tại 185 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới trong giai đoạn từ ngày 21/1 đến ngày 6/5. Kết quả là những nơi có nhiệt độ dao động từ 5-15 độ C ghi nhận 60% số ca mắc COVID-19, trong khi 73,8% số ca mắc COVID-19 tập trung tại những khu vực có độ ẩm tuyệt đối từ 3-10 gram/1 m3.
Kết quả này cho thấy virus SARS-CoV-2 dường như lan đến các nơi có vĩ độ cao hơn cũng như cho thấy có thể có một vùng khí hậu tối ưu trong đó lượng virus SARS-CoV-2 tăng đáng kể ở bề mặt của vật thể. Các nhà khoa học cũng cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể lây lan theo chu kỳ và các ổ dịch có thể xuất hiện tại những thành phố lớn nằm ở vĩ độ trung vào mùa Thu 2020, đồng thời khẳng định không thể dựa vào phỏng đoán dịch COVID-19 sẽ chấm dứt khi nhiệt độ tăng.
Nghiên cứu trên đã được đăng trên tạp chí Science of The Total Environment.