Nghiên cứu do Đại học Khoa học Trung Quốc (UCAS) và Học viện Khảo cổ Thiểm Tây thực hiện được công bố trên tạp chí Truyền thông Khoa học Xã hội và Nhân văn Trung Quốc.
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã phân tích dấu vết mỹ phẩm màu trắng còn sót lại trong một bộ đồ bằng đồng, được khai quật trong ngôi mộ tại làng Liangdai - có niên đại từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các phân tích chuyên sâu bao gồm quang phổ hồng ngoại, nhiễu xạ tia X, phân tích SEM-EDS, phóng xạ và đồng vị carbon ổn định, nhằm xác định các hợp chất hiện diện trong phần tàn dư này.
Ông Han Bin - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả chỉ ra rằng người Trung Quốc cổ đại đã bắt đầu sử dụng mỹ phẩm làm trắng có chứa chì tổng hợp từ đầu thời Xuân Thu (770 - 476 trước Công nguyên), sớm hơn vài trăm năm so với khi loại mỹ phẩm này được tìm thấy ở Hy Lạp cổ đại. Do đó, đây có thể coi là mỹ phẩm làm trắng từ chì tổng hợp được biết đến sớm nhất trong lịch sử thế giới.
Ông Han cho biết trong giới nghiên cứu có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc của mỹ phẩm làm trắng có chứa chì tổng hợp ở Trung Quốc, trong đó có ý kiến cho rằng hợp chất này không có nguồn gốc địa phương và có thể được du nhập từ châu Âu hoặc Ai Cập cổ đại.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây xác định rằng loại mỹ phẩm được tìm thấy ở Tây Bắc (Trung Quốc) được điều chế bằng phương pháp kết tủa, khác với phương pháp ăn mòn được thực hiện ở Hy Lạp cổ đại.
Theo ông Han, 2 khu vực trên có các cách tiếp cận với quá trình tổng hợp khác nhau, cho thấy nguồn gốc và sự phát triển độc lập của phương pháp tổng hợp chất làm trắng có chứa chì tại mỗi khu vực.
Nghiên cứu cho rằng việc sản xuất hàng loạt các mỹ phẩm từ chì tổng hợp với chi phí thấp hơn đã thúc đẩy người thời đó ở Trung Quốc và Địa Trung Hải chuộng làn da trắng, từ đó tạo ra một "cuộc cách mạng mỹ phẩm".
Ông Yang Yimin - giáo sư tại UCAS, cho biết, phát hiện mới nhất đã chứng minh rằng từ đầu thời Xuân Thu ở Trung Quốc, con người đã phát triển các phương pháp nhân tạo để làm trắng da. Theo ông Yang, việc theo đuổi các quan niệm thẩm mỹ này đã thúc đẩy sự phát triển của hóa học trong lịch sử nhân loại.