Ngành mỹ phẩm tỉ đô của Hàn Quốc hết thời hốt bạc vì COVID-19

Ba năm trước, Chủ tịch tập đoàn mỹ phẩm Amorepacific là người giàu thứ hai ở Hàn Quốc. Giờ đây, ông chỉ lọt Top 10 - xu hướng ngược hoàn toàn của ngành mỹ phẩm Hàn Quốc vốn nổi tiếng là ngành “đào vàng” cho các nhà tỉ phú.

Chú thích ảnh
Người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang khi ra đường. Ảnh: AFP

Khối tài sản trị giá 3,6 tỉ USD của ông Suh Kyung-bae đã giảm đáng kể từ con số xấp xỉ 8 tỉ USD hồi năm 2017. Sự mất mát này chủ yếu bắt nguồn từ việc cổ phiếu của tập đoàn mỹ phẩm Amorepacific do gia đình ông Suh làm chủ đã giảm 40% giá trị so với đỉnh cao hồi giữa tháng 1/2020. 

Là “cha đẻ” của những thương hiệu mỹ phẩm như Innisfree, Laniege và Sulwhasoo, Amorepacific đã rơi vào tình trạng lận đận từ trước khi COVID-19 bùng phát. Sau đó, đại dịch xuất hiện làm thay đổi lối sống của người dân toàn cầu, khiến mỹ phẩm không còn được phái nữ quan tâm nhiều như trước. 

Theo tờ Bloomberg, điều này đã cản trở hoạt động mua bán mặc dù các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc đang trở nên thịnh hành. Từ năm 2010 đến năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi ít nhất 215 triệu USD để mua lại các công ty mỹ phẩm tại Hàn Quốc, theo bản báo cáo tháng 9 của Samjong KPMG. Trong 5 năm sau đó, quốc gia này trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm làm đẹp lớn thứ tư thế giới. Khối lượng thương vụ đã tăng lên 5 tỷ USD, chưa kể các giao dịch không được tiết lộ.

Hồi tháng 11/2019, Estee Lauder đã mua lại thương hiệu làm đẹp của Hàn Quốc là Have & Be Co được biết đến rộng rãi với dòng sản phẩm Dr.Jart +. Thương vụ trị giá 1,1 tỉ USD này đã biến nhà sáng lập Chin Wook Lee trở thành tỉ phú. Tập đoàn Goldman Sachs đã mua một cổ phần thiểu số của GP Club - nổi tiếng với sản phẩm mặt nạ dưỡng da, đưa ông chủ Kim Jung-woong trở thành một trong những người giàu nhất Xứ sở Kim chi. Unilever, L'Oreal cùng nhiều tập đoàn đa quốc gia khác cũng nắm giữ cổ phần trong các công ty mỹ phẩm Hàn Quốc, đem đến vận may khổng lồ cho các nhà sáng lập.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã giáng đòn kép đối với ngành mỹ phẩm làm đẹp của Hàn Quốc. Giãn cách xã hội và làm việc từ xa đã làm giảm nhu cầu trang điểm, dẫn tới nhiều cửa hàng phải đóng cửa. Doanh số bán lẻ mỹ phẩm tại Mỹ - thị trưởng xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc – sẽ giảm hơn 7% trong năm 2020, theo hãng nghiên cứu thị trường Mintel. 

Đối với Hàn Quốc, lệnh hạn chế đi lại do virus SARS-CoV-2 cũng cắt đứt dòng khách du lịch và các thương nhân Trung Quốc đến mua hàng miễn thuế với số lượng lớn và về bán lại ở trong nước. Trong khi đó, khách hàng Trung Quốc lại bắt đầu tiếp cận nhiều hơn với các thương hiệu toàn cầu và ngày càng quan tâm đến các sản phẩm sản xuất nội đia. 

Lina Oh, nhà phân tích tại Ebest Investment & Securities, cho biết: “Thật ngây thơ khi nghĩ rằng các mỹ phẩm có nhãn sản xuất tại Hàn Quốc sẽ thu hút được khách hàng Trung Quốc”. 

Cả Have & Be và GP Club đều không công bố thông tin tài chính năm 2020. Kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của GP Club vào năm 2019 vẫn chưa được bố trí lại. 

Chú thích ảnh
Khách hàng tham dự triển lãm mỹ phẩm In-Cosmetics Korea hồi tháng 6/2019. Ảnh: Yonhap

Đối với Amorepacific, doanh thu hợp nhất trong 9 tháng đầu năm đã giảm 23% xuống 3,7 nghìn tỷ won so với cùng kỳ năm 2019. Lần đầu tiên trong lịch sử, hồi tháng trước, tập đoàn này công bố kế hoạch cho phép nghỉ hưu trí tự nguyện nhắm vào những nhân viên đã làm việc trên 15 năm. 

Cùng lúc đó, đại dịch đã thúc đẩy sự chuyển dịch sang trực tuyến trong làm đẹp. Doanh thu của Amorepacific cho mảng này đã có sự tăng trưởng đáng kể, thúc đẩy tập đoàn chuyển hướng ưu tiên cho mảng kinh doanh đó. Gã khổng lồ mỹ phẩm L'Oreal, với doanh số giảm 12% trong nửa đầu năm 2020, đã tung ra 300 dịch vụ kỹ thuật số trong năm nay, bao gồm cả hướng dẫn làm đẹp trực tiếp.

Amorepacific có kế hoạch giảm số lượng cửa hàng Innisfree tại Trung Quốc song dự đoán rằng về tổng thể, doanh số bán hàng qua nền tảng kỹ thuật số sẽ chiếm một nửa hoạt động kinh doanh của hãng tại đây vào năm tới, theo Yuanta Securities Korea. Tại thị trường nội địa, tập đoàn ghi nhận tỷ trọng doanh thu trực tuyến tăng lên 30% từ 20%.

Hye-mi Kim, nhà phân tích tại Cape Investment & Securities, cho biết: “Chi tiêu cho mỹ phẩm đã giảm trước khi COVID-19 xảy ra. Dịch bệnh đã làm cho việc mua mỹ phẩm trở nên ít cần thiết hơn. Chỉ những mặt hàng cần thiết như sản phẩm chăm sóc da là ổn định".

Trong khi đó, Hàn Quốc lại có những tỉ phú mới lên như ông Seo Jung-jin, người sáng lập hãng dược phẩm Celltrion đang phát triển phương pháp điều trị COVID-19 bằng kháng thể. Tài sản của ông Seo đã tăng gần gấp ba lần trong năm nay lên 14,6 tỉ USD, biến ông trở thành người giàu thứ hai mới của đất nước.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Hàn Quốc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 từ tháng 2/2021
Hàn Quốc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 từ tháng 2/2021

Hàn Quốc sẽ bắt đầu chương trình tiêm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đúng như kế hoạch vào tháng 2/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN