Theo Giáo sư Thomas Brocker, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y sinh của Đại học LMU, các nhà khoa học đã biết về mối liên hệ giữa các thành phần trong quá trình đông máu và phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, nguyên nhân và cơ chế dẫn tới quá trình cũng như phản ứng này hầu như vẫn là “ẩn số”. Với nghiên cứu mới nhất đăng tải trên tạp chí Extracellular Vesicles, Giáo sư Brocker và các cộng sự đã phần nào giải mã được ẩn số này khi ghi nhận vai trò của chất phosphatidylserine trong máu bệnh nhân mắc COVID-19. Đây là một phân tử thường được tìm thấy trong thành tế bào và có thể có ý nghĩa đối với các cơ chế sinh lý học liên quan đến hệ thống miễn dịch và đông máu. Nhiều khả năng, phân tử này cũng có thể đóng vai trò như chỉ dấu sinh học mới giúp chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 thông qua xét nghiệm máu.
Phòng thí nghiệm của Giáo sư Brocker đã phát triển một thử nghiệm phát hiện phosphatidylserine trong các tế bào máu. Theo đó, nhóm nghiên cứu của ông đã thu thập các mẫu máu của 54 bệnh nhân COVID-19 đăng ký thử nghiệm từ tháng 4/2020 đến tháng 2/2021. Tình trạng bệnh của các trường hợp này ở những mức độ khác nhau. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu máu của 35 người hiến máu hoàn toàn khỏe mạnh và 12 người đã khỏi COVID-19. Trọng tâm của nghiên cứu là các tế bào đơn nhân trong máu ngoại vi như tế bào lympho và bạch cầu đơn nhân.
Tất cả các tế bào miễn dịch được phân tích bằng xét nghiệm phosphatidylserine và được phân tích bằng kỹ thuật đếm tế bào dòng chảy. Phương pháp này cũng đồng thời cho ra hình ảnh hiển vi của từng tế bào. Dựa trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu có thể nhận ra liệu phosphatidylserine có hiện diện trong các tế bào miễn dịch hay không và vị trí của phân tử này. Theo đó, họ nhận thấy, các tế bào miễn dịch không chứa phosphatidylserine.
Giáo sư Brocker cho biết thêm nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy các tế bào bạch cầu từ máu của bệnh nhân COVID-19 chứa đầy các tiểu cầu. Các tiểu cầu này đẩy nhanh quá trình đông máu. Và do đó, phosphatidylserine có thể hoạt động như một bộ chuyển đổi tín hiệu đối với các quá trình viêm bị rối loạn hoặc rối loạn đông máu ở bệnh nhân COVID-19. Điều đó đồng nghĩa chất này có thể kích hoạt các thay đổi điển hình ở người mắc COVID-19.
Các phương pháp nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa phosphatidylserine với các mức độ mắc COVID-19. Nồng độ Phosphatidylserine tăng cao tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của bệnh. Như vậy, dựa trên tiêu chí này, giới chuyên môn có thể chẩn đoán tốt hơn các ca mắc COVID-19 và tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Giáo sư Brocker nhận định trong các xét nghiệm, phosphatidylserine là chất chỉ dấu rõ ràng hơn so với các chất chỉ dấu đã được thiết lập đối với các quá trình viêm trong cơ thể, đối với bạch cầu và các yếu tố đông máu hiện đang được sử dụng để đánh giá lâm sàng bệnh nhân COVID-19. Ông cho biết thêm các thông số phòng thí nghiệm khác nhau đang được sử dụng để phân loại và làm cơ sở cho thang đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về mức độ bệnh từ 0 điểm (khỏe mạnh) đến 8 điểm (tử vong vì COVID-19).