Theo CNN, nghiên cứu được công bố ngày 1/2 trên tạp chí khảo cổ học Antiquity.
Một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế làm việc tại Thung lũng Chincha, trên bờ biển phía nam của Peru, đã tìm thấy phần lớn các đốt sống được cắm vào cọc trong các ngôi mộ lớn của người bản địa. Các ngôi mộ này được gọi là chullpas, có niên đại hàng trăm năm vào khoảng thời gian thực dân châu Âu đã có mặt ở quốc gia Nam Mỹ này.
Trong số 192 bộ xương sống được xiên vào cọc trong khu vực, các nhà khảo cổ học nhận thấy rằng hầu hết cọc đều xiên đốt xương sống từ hài cốt của một cá nhân. Có vẻ như người lớn và thanh thiếu niên trong cộng đồng bản địa là những người được chọn cho cách mai táng độc đáo này. Theo các nhà nghiên cứu, đốt sống được xiên vào cọc từ năm 1450 đến năm 1650 khi chế độ cai trị của đế chế Inca chấm dứt và người châu Âu thực dân hóa rộng khắp trong khu vực.
Ông Jacob L. Bongers, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết giai đoạn này rất hỗn loạn trong lịch sử của Thung lũng Chincha vì dịch bệnh và nạn đói đã tàn phá người dân địa phương.
Trước khi người châu Âu đến, Thung lũng Chincha từng là quê hương của Vương quốc Chincha từ năm 1000 đến năm 1400 và thậm chí đã thiết lập một liên minh với đế chế Inca hùng mạnh. Nhưng khi thực dân châu Âu tràn vào khu vực này, dân số đã giảm dần từ hơn 30.000 hộ gia đình vào năm 1533 xuống chỉ còn 979 vào năm 1583.
Ông Bongers cũng đã ghi lại tài liệu về tình trạng cướp phá hàng trăm ngôi mộ trong khu vực trong nghiên cứu trước đó. Ông nói: “Cướp mộ bản địa đã phổ biến khắp Thung lũng Chincha trong thời kỳ thuộc địa. Cướp mộ chủ yếu nhằm mục đích lấy những đồ đạc làm bằng vàng bạc và loại bỏ tập quán tôn giáo và phong tục tang lễ bản địa”.
Nghiên cứu cho biết các đốt sống có thể được xâu lại trên cọc để khắc phục những thiệt hại do cướp bóc gây ra với người đã khuất. Việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ do nhóm nghiên cứu thực hiện cho thấy các cọc cột sống được làm sau khi chôn cất lần đầu.
Ông Bongers nói: “Những cọc cột sống này có khả năng được tạo ra để tái tạo lại thi hài người chết sau khi bị cướp mộ. Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng các cột đốt sống là phản ứng trực tiếp, mang tính nghi lễ và bản địa đối với chủ nghĩa thực dân châu Âu”.
Đối với nhiều nhóm người bản địa ở Thung lũng Chincha, toàn vẹn thi thể là điều rất quan trọng. Theo nghiên cứu, các dân tộc bản địa trong khu vực đã tham gia vào các nghi lễ mai táng độc đáo cho người chết. Những người Chinchorro gần đó đã phát triển các kỹ thuật ướp xác nhân tạo đầu tiên được biết đến, hàng thiên niên kỷ trước khi người Ai Cập cổ đại thực hiện nghi thức tang lễ này.
Khi các xác ướp ở khu vực núi Andes bị thực dân châu Âu phá hủy, các nhóm bản địa đã tìm những gì có thể từ những phần còn lại để làm đồ vật nghi lễ mới.
Ông Bongers nói: “Các nghi lễ đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và tôn giáo, nhưng vẫn có thể gây tranh cãi, đặc biệt là trong các giai đoạn chinh phục, trong đó các mối quan hệ quyền lực mới được thiết lập”.