Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, dịch bệnh đã bùng phát tại bệnh viện Garmisch-Partenkirchen, nơi 73 bệnh nhân và nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo báo "Münchner Merkur", một biến thể chưa từng được biết đến đã được phát hiện trong bệnh phẩm của 3 bệnh nhân ở bệnh viện này.
Các nhân viên phòng thí nghiệm tại bệnh viện Garmisch-Partenkirchen đã phát hiện những điểm bất thường trong các bệnh phẩm nhờ sự trợ giúp của một thiết bị xét nghiệm đặc biệt. Mẫu bệnh phẩm mang mầm đột biến đã được chuyển tiếp lên bệnh viện Charité ở Berlin để phân tích thêm, trong khi một phân tích sâu hơn bước đầu xác nhận đây là một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, song vẫn chưa rõ những thuộc tính của biến thể này.
Theo các chuyên gia, virus đột biến là điều hoàn toàn bình thường, giống như các trường hợp đã phát hiện ở Anh và Nam Phi, vốn được cho có khả năng lây nhiễm cao hơn, song không làm tăng tỷ lệ tử vong cũng như không làm giảm hiệu quả của các loại vaccine phòng ngừa đã được phê chuẩn sử dụng.
Sau khi dịch bùng phát tại Bệnh viện Garmisch-Partenkirchen, mọi hoạt động thông thường ở bệnh viện này đã tạm ngừng và được đặt ở chế độ khẩn cấp. Điểm bùng phát ở tầng 5 và 6 của bệnh viện hiện được coi là khu cách ly và nhân viên chỉ được phép vào đây khi mặc đồ bảo hộ đầy đủ. Toàn bộ nhân viên phải được xét nghiệm nhanh trước khi bắt đầu làm việc.
Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn nhấn mạnh Chính phủ liên bang Đức cam kết hỗ trợ toàn diện cho các phòng xét nghiệm trong nỗ lực tìm kiếm, phát hiện và ngăn chặn sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2. Ngoài việc nâng cấp thiết bị cho các phòng xét nghiệm, trước mắt, các phòng thí nghiệm được khuyến cáo chuyển các mẫu virus đến Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) hoặc bệnh viện Charité ở Berlin để làm xét nghiệm sâu hơn nhằm phát hiện kịp thời biến thể của virus và chính phủ sẽ đảm trách khoản phí này.
Theo thông báo của RKI, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tính đến sáng 18/1 là 7.141 ca và 214 người tử vong, nâng số ca mắc và tử vong tại Đức lên lần lượt là 2.040.659 ca và 46.633 ca tử vong. Tuy nhiên, số liệu thông báo đầu tuần thường thấp do các phòng khám ít tiến hành xét nghiệm dịp cuối tuần. Bộ trưởng Spahn cho rằng số ca nhiễm mới giảm trong vài ngày qua là chưa đủ, bởi phải phòng trường hợp bùng phát sự lây lan của biến thể mới.
Theo quan chức này, mặc dù các biện pháp chống dịch đã bắt đầu phát huy hiệu quả, song vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo dịch bệnh luôn nằm trong tầm kiểm soát. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz cũng để ngỏ khả năng kéo dài lệnh phong tỏa hiện tại thêm 2 tuần cho tới giữa tháng 2. Ngoài ra, việc siết chặt hơn nữa các biện pháp đang được áp dụng, trong đó có yêu cầu đeo khẩu trang FFP2, áp đặt giới nghiêm ban đêm....cũng đang được thảo luận.
Dự kiến, chính quyền trung ương và các địa phương sẽ họp trực tuyến chiều 19/1 (giờ Đức) để thảo luận cụ thể các biện pháp này.
* Cùng ngày, hãng AFP đưa tin Trung Quốc đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với thêm gần 3 triệu dân ở tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc nước này, sau khi ghi nhận sự tăng vọt số ca mắc COVID-19 có liên quan tới một nhân viên chào hàng.
Mặc dù Trung Quốc đã tương đối kiểm soát được dịch COVID-19, song sự gia tăng mạnh các ca mắc trong vài tuần qua đã khiến nước này áp đặt các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và triển khai nhiều đợt xét nghiệm hàng loạt. Giờ đây đã có hơn 19 triệu dân ở vùng Đông Bắc không được phép rời khỏi nhà. Trong một số trường hợp, họ chỉ có thể đăng ký để đi mua hàng tạp hóa mỗi 3 ngày/lần.
Trước đó, nhà chức trách đã phát hiện hơn 100 ca mắc ở tỉnh Cát Lâm có liên quan tới 1 nhân viên chào hàng mắc virus SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng ở thành phố Hắc Long Giang lân cận, nơi đã được ban bố tình trạng khẩn cấp.
Người này đã di chuyển tới hai thành phố khác nhau, vốn hiện đã được ban hành lệnh phong tỏa, và tổ chức hội thảo chăm sóc sức khỏe cho người trung niên và người cao tuổi. Một cuộc điều tra đã được triển khai đối với các trung tâm chăm sóc sức khỏe đã tổ chức các buổi hội thảo trên nhằm xem xét liệu hoạt động của họ có cấu thành hành vi kinh doanh bất hợp pháp hay không.