Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, các chuyên gia khảo cổ Argentina hôm 9/7 vừa qua công bố tìm thấy hóa thạch khủng long sống cách đây hơn 200 triệu năm thuộc kỷ Tam Điệp (kéo dài từ khoảng 200-250 triệu năm trước) và trước kỷ Jura khoảng 30 triệu năm tại miền Tây Bắc nước này. Hóa thạch trên được các nhà nghiên cứu đặt tên là Ingenia Prima, được phát hiện vào năm 2015 tại khu vực Balde de Leyes ở tỉnh San Juan, cách thủ đô Buenos Aires 1.100 km.
Phát biểu với báo giới, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Bảo tàng Khoa học Thiên nhiên của Đại học San Juan (IMCN) Cecilia Apaldetti cho biết có một nhóm khủng long có khả năng phát triển khổng lồ ở kỷ Tam Điệp và chưa ai biết về sự tiến hóa của loài này.
Về phần mình, đồng tác giả nghiên cứu hóa thạch trên, Ricardo Martinez cho biết Ingenia Prima nặng hơn 10 tấn, trong khi các con khủng long to lớn khác được biết đến trước đó không vượt quá 3 tấn. Theo ông Martinez, dù khủng long được tìm thấy vẫn đang trưởng thành, song kích thước của nó vẫn bỏ xa so với loài khủng long ở kỷ Jura và kỷ Phấn Trắng. Ingenia Prima nằm trong nhóm sinh vật to lớn nhất trái đất “Saurópodos”. Việc phát hiện ra Ingenia Prima có thể cho phép các nhà khảo cổ nghiên cứu rõ ràng hơn về điều gì đã xảy ra vào cuối kỷ Tam Điệp và đầu kỷ Jura, trong thời kỳ tất cả những loài động vật trên Trái Đất bị ảnh hưởng bởi một trong những cuộc tuyệt chủng hàng loạt xảy ra trong suốt quá trình tiến hóa.
Trong hai bộ xương khủng long được phát hiện tại tỉnh San Juan, các nhà khảo cổ Argentina tìm thấy một bộ xương đùi hóa thạch hoàn toàn của con Ingenia Prima, dài 1,3 mét và to gấp 3 lần kích thước của khủng long to nhất biết đến hiện nay. Nhóm nghiên cứu cổ sinh vật học Argentina cho biết họ có thể sẽ tái tạo lại hoàn toàn bộ xương của Ingentia Prima để trưng bày trong thời gian tới.