Sử dụng camera đặc biệt có khả năng chụp hình ở độ phân giải cao cùng các thiết bị lặn hiện đại, một nhóm các nhà khoa học tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California San Diego đã tiến hành khảo sát một vùng đáy biển rộng khoảng 145.692 km2, kéo từ đảo Santa Catalina tới bờ biển Los Angeles, khu vực trước đó từng được phát hiện có nồng độ hóa chất độc hại cao.
Kết quả, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra 27.345 hình khối giống thùng chứa, bị nghi là chứa chất thải độc hại DTT, được ném xuống bãi thải ngầm dưới biển có lịch sử hình thành từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Những dữ liệu lịch sử cũng cho thấy, các công ty ở Nam California đã sử dụng vùng bồn địa này làm bãi đổ thải cho đến tận năm 1972, thời điểm nước Mỹ thông qua Đạo luật Nghiên cứu, Bảo vệ và Chế tài Biển (MPRSA). Nằm dưới đáy biển sâu, hầu như không có ai biết về vị trí và quy mô bãi thải, cho đến khi nhóm các nhà khoa học đến từ Viện Hải dương học Scripps phát hiện ra.
Theo chuyên gia Eric Terill, trưởng nhóm nghiên cứu, cả nhóm đều sửng sốt khi nhận thấy số lượng thùng chứa chất thải quá lớn, nằm dưới đáy biển ở độ sâu khoảng 900 m. Ông ước tính, có khoảng 350-700 tấn chất độc DTT bị thải xuống vùng biển này.
Các nhà khoa học của Viện Hải dương học Scripps đã quyết định thực hiện sứ mệnh thám hiểm vùng đáy biển này trong khoảng thời gian từ 10-24/3 vừa qua, sau khi tờ Thời báo Los Angeles (Los Angeles Times) hồi năm ngoái đưa tin, có bằng chứng cho thấy chất thải DTT bị ném xuống khu vực biển này.
Trước đó, cũng xuất hiện thông tin về hàm lượng DTT cao trong cơ thể các loại động vật có vú cũng như nhiễm độc hóa chất có liên quan đến căn bệnh ung thư trên loài sư tử biển ở vùng biển ngoài khơi Los Angeles.