Theo The Moscow Times, các hình ảnh cho thấy hàng trăm con bạch tuộc, cá lớn, nhím biển và cua chết dạt vào bờ biển Khalaktyrsky đã được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội vào cuối tuần trước, khiến các nhà bảo vệ môi trường nhanh chóng lên tiếng báo động về một thảm họa sinh thái.
Thống đốc vùng Kamchatka, ông Vladimir Solodov cho hay các nhà chức trách đang điều tra xem ô nhiễm nhân tạo, hiện tượng tự nhiên hoặc động đất liên quan đến núi lửa có phải là nguyên nhân khiến hàng loạt sinh vật dưới đáy đại dương chết cùng lúc hay không.
Sau một chuyến thám hiểm khu vực để thu thập mẫu nước, tìm kiếm sinh vật đã chết và tiến hành lặn khảo sát, các nhà khoa học cho biết 95% sinh vật sống dưới đáy biển đã bị xóa sổ.
Phát biểu tại cuộc họp báo, nhà khoa học Ivan Usatov nêu rõ: “Trên bờ, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ xác động vật biển hoặc chim lớn nào. Tuy nhiên, khi lặn xuống, chúng tôi nhận thấy có hiện tượng sinh vật sống ở tầng đáy chết hàng loạt. Những loài sinh vật này sinh sống ở độ sâu từ 10 đến 15 mét so với mặt nước biển. Một số cá lớn, tôm và cua sống sót, nhưng số lượng rất ít”.
Các nhà khoa học thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kronotsky, Viện Nghiên cứu Thủy sản và Hải dương học Kamchatka (KamchatNIRO) và cơ sở Kamchatka của Viện Địa lý Thái Bình Dương cảnh báo giới chức địa phương hiện tượng chết hàng loạt của 95% sinh vật sống dưới tầng đáy biển cũng sẽ tác động tới những sinh vật sống khác dựa vào chúng để kiếm thức ăn.
“Sau chuyến thám hiểm, tôi có thể khẳng định đây là một thảm họa môi trường. Hệ sinh thái đã bị phá hủy đáng kể và điều này sẽ gây ra hậu quả lâu dài, vì mọi thứ trong tự nhiên đều liên kết với nhau”, nhiếp ảnh gia Alexander Korobok, người tham gia chuyến thám hiểm, nói thêm anh đã bị bỏng hóa chất sau khi lặn.
Các nhà khoa học cho biết họ tin rằng khu vực bị ô nhiễm lớn hơn nhiều so với những gì họ đã kiểm tra.
Một ủy ban đặc biệt được thành lập để tiến hành điều tra các vùng biển gần các bãi thử quân sự Kozelsky và Radyginsky nằm gần Petropavlovsk-Kamchatsky để xác định xem liệu một vụ rò rỉ thuốc trừ sâu có gây ra hiện tượng sinh vật biển chết hàng loạt hay không.
Trước đó, cách đây 3 tuần, người địa phương lướt sóng và bơi tại vùng biển trên khai báo họ bị đau mắt, đau họng, nôn mửa và sốt sau khi tiếp xúc với nước biển.
Tổ chức Greenpeace tuyên bố các cuộc kiểm tra mẫu nước xung quanh bãi biển Khalaktyrsky cho thấy hàm lượng dầu cao gấp 4 lần bình thường và hàm lượng hợp chất hữu cơ độc hại phenol cao gấp 2,5 lần mức cho phép.