Con dao ngoài hành tinh của Tutankhamun. |
Theo các nhà nghiên cứu của trường đại học Polytechnic (Milan), đại học Pisa (Italy) và Bảo tàng Ai Cập (Cairo), con dao bằng sắt dài 34,2 cm đặt cạnh phần đùi phải của xác ướp trong cỗ quan tài được chế tác từ thiên thạch.
Năm 1922, khám phá về hầm mộ của Tutankhamun của nhà khảo cổ học Howard Carter đã đưa vị vua của thế kỉ 14 trước công nguyên trở lại với thế giới. Ba năm sau, hai lưỡi dao, một bằng sắt và một bằng vàng, được tìm thấy trong lớp quấn bên ngoài của xác ướp hoàng gia vương triều thứ 18.
Những phân tích trước đó về các vật thể bằng sắt được tìm thấy trong hầm mộ của Pharaoh Tutankhamun gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng công nghệ hiện đại, không xâm hại cổ vật đã cho phép các nhà nghiên cứu xác định nguồn gốc thiên thạch của con dao bằng sắt này.
Lưỡi dao "ngoài hành tinh" của Tutankhamun có hàm lượng nikel cao (gần 11%), gần gấp 3 hàm lượng sắt được tìm thấy trong các đồ vật được sản xuất từ quặng sắt. Ngoài ra con dao này còn có dấu vết của cobalt. Để truy tìm nguồn gốc con dao hoàng gia này, đội nghiên cứu tiếp tục xem xét tất cả các mảnh thiên thạch được tìm thấy trong khu vực có bán kính 2.000 km tính từ trung tâm đặt ở Biển Đỏ.
Kết quả, các nhà nghiên cứu thu thập được 20 mảnh sắt thiên thạch và chỉ một trong số đó có lượng nikel và cobalt phù hợp với chất lượng con dao của Tutankhamun. Mảnh thiên thạch này được tìm thấy vào năm 2.000 ở thành phố nghỉ dưỡng Mersa Matruh của Ai Cập.
Vị trí của con dao trong cỗ quan tài. |
Theo các nhà nghiên cứu, những kết quả này mang lại cái nhìn rõ nét hơn về cuộc sống của các vị Pharaoh Ai Cập cũng như sự phát triển của kĩ thuật chế tác kim loại ở Địa Trung Hải. Chất lượng cao của con dao của Tutankhamun là bằng chứng cho thấy điểm thành công sớm của nghề rèn vào thế kỉ 14 trước công nguyên.
Ngoài con dao này, trong hầm mộ của Tutankhamun các nhà khoa học còn tìm thấy một đồ vật khác cũng không có nguồn gốc Trái đất. Một mảnh bùa hình bọ trên vòng cổ trong hầm mộ được cho làm từ thủy tinh silica, hình thành khi một mảnh thiên thạch đâm vào sa mạc Libya và nung chảy cát quanh đó. Kết quả của cuộc nghiên cứu được công bố trên tờ Khoa học Hành tinh và Thiên thạch.