Giải mã những bí ẩn về Pharaông Tutankhamun

Là vị Pharaông nổi tiếng nhất thời Ai Cập cổ đại, hàng nghìn năm nay xung quanh Tutankhamun tồn tại không ít bí ẩn, từ thân thế cho đến cái chết đầy nghi vấn. Sau hơn hai năm nghiên cứu xác ướp của Tutankhamun cùng 15 xác ướp khác bằng công nghệ phân tích ADN và chụp cắt lớp vi tính, các nhà khoa học đã giải mã được hàng loạt bí ẩn liên quan đến Tutankhamun.

Phát hiện lăng mộ của Pharaông Tutankhamun năm 1922.

1. Cha mẹ của Tutankhamun là anh em

Chiếc mặt nạ vàng của Tutankhamun đã trở thành biểu tượng của Ai Cập cổ đại và gương mặt Tutankhamun phục dựng bằng kĩ thuật vi tính

Pharaông Tutankhamun bắt đầu ngồi trên ngai vàng vào năm 1334 trước Công nguyên, khi mới 10 tuổi, trở thành vị vua thứ 18 của thời kỳ Vương quốc mới ở Ai Cập. Sau chín năm trị vì đất nước, Tutankhamun băng hà lúc chưa đầy 20 tuổi, mang theo xuống lăng mộ cuộc đời nhuốm màu thần bí của mình. Năm 1922, nhà khảo cổ người Anh Howard Carter đã phát hiện lăng mộ cùng xác ướp nguyên vẹn của Tutankhamun ở Thung lũng các vị vua (The Valley of the Kings) tại bờ tây sông Nile. Khi đó, xác ướp của Tutankhamun được phủ đầy châu báu và trên mặt của Tutankhamun là một chiếc mặt nạ vàng, sau này đã trở thành biểu tượng của Ai Cập cổ đại.

Các nhà khoa học chuẩn bị đưa xác ướp của Tutankhamun vào chụp cắt lớp vi tính.

Kết quả phân tích ADN và chụp cắt lớp vi tính, vừa được Tổng Thư ký Ủy ban Quản lý Hiện vật Ai Cập cổ Zahi Hawass, người đứng đầu nhóm các nhà khoa học đa quốc gia nghiên cứu xác ướp của Tutankhamun, công bố trên tuần san của Hiệp hội Y khoa Mỹ ngày 17/2 vừa qua, cho thấy ông nội của Tutankhamun là Pharaông Amenhotep III và cha của Tutankhamun là Pharaông Akhenaten. Còn người sinh ra Tutankhamun chính là em gái của Pharaông Akhenaten, người hiện chưa xác định được tên, chỉ được biết dưới biệt danh “The Younger Lady”. Các nhà khoa học cũng giải thích rằng hôn nhân giữa anh trai và em gái là hiện tượng rất phổ biến trong các Pharaông Ai Cập.

2. Tutankhamun chết vì hậu quả tổng hợp một “ổ” bệnh


Từ khi phát hiện ra xác ướp của Tutankhamun, các nhà khoa học luôn muốn tìm lời giải cho cái chết bí ẩn của vị vua trẻ nổi tiếng này. Có người cho rằng Tutankhamun bị chết sau khi ngã từ chiến xa xuống và bị vó ngựa giày lên. Có người đồ rằng Tutankhamun chết vì bị nhiễm trùng máu hoặc tắc mạch máu. Năm 1968, qua chụp X-quang, các nhà khoa học phát hiện có mảnh xương vỡ trên sọ của Tutankhamun, từ đó xuất hiện tin đồn vị vua trẻ này bị giết hại.



Phát hiện lăng mộ của Pharaông Tutankhamun năm 1922.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu công bố trên tuần san của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy khi còn sống, Tutankhamun bị sốt rét nặng và mắc rất nhiều bệnh di truyền. Tutankhamun bị chết vì hậu quả tổng hợp một “ổ” bệnh biến chứng, trong đó nặng nhất là bệnh sốt rét. Đọc phim chụp cắt lớp vi tính, các nhà khoa học còn thấy, một chân của Tutankhamun bị gẫy và xương sống của vị vua trẻ bị cong vẹo nghiêm trọng. Trái với những gì mà công chúng tưởng tượng về một Tutankhamun uy nghi, tráng kiện, vị Pharaông này thân thể gày gò, chân phải thiếu ngón, chân trái dị dạng, đi lại phải dựa vào gậy chống.

Theo Tiến sĩ sử học, y học Howard Markel thuộc Đại học Michigan (Mỹ), hôn nhân cận huyết thống của cha mẹ Tutankhamun có thể là nguyên nhân khiến vị vua trẻ này mắc nhiều bệnh di truyền như bệnh hở hàm ếch của cha và dị dạng ở chân của ông nội. Tiến sĩ Markel cho biết trong các bức họa Ai Cập cổ đại Tutankhamun xuất hiện trong tư thế ngồi chứ không phải đứng trên chiến xa giương cung bắn. Đây là chi tiết bất bình thường.

Bên cạnh đó, khi khai quật lăng mộ Tutankhamun, các nhà khảo cổ phát hiện rất nhiều gậy chống chôn cùng. “Ban đầu, chúng tôi cho rằng đó là biểu tượng của quyền lực”, Tiến sĩ Markel nói, “Nhưng kỳ thực đây là những chiếc gậy mà Tutankhamun đã dùng khi còn sống vì ông ta dường như khó có thể đứng vững nếu thiếu gậy chống”.

Ngọc Hà
(Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN