Trước đó, trong một bức thư gửi Quốc hội Pháp vào đầu tháng 9, cơ quan này đã dự báo thâm hụt ngân sách của Pháp có thể tăng cao bất ngờ trong năm nay và năm tới nếu không tìm được khoản tiết kiệm chi tiêu bổ sung, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị. Trước tình hình này, Pháp đã đề nghị EC cho phép trì hoãn thời hạn nộp kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách nhằm “đảm bảo tính nhất quán của kế hoạch và dự thảo ngân sách năm 2025”.
Sự thiếu hụt về tài chính cũng đồng nghĩa Chính phủ mới của tân Thủ tướng Michel Barnier có thể sẽ phải lựa chọn giữa việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế hoặc mất uy tín với các đối tác EU và các thị trường tài chính. Hiện Bộ Tài chính Pháp chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Theo người phát ngôn của EC, thời hạn chót để các nước nộp kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách là ngày 20/9. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên có thể đề nghị EC gia hạn trong một khoảng thời gian hợp lý. Quan chức này cũng cho biết hiện chưa thể xác nhận liệu EC đã nhận được yêu cầu của Pháp hay chưa.
Ông Barnier, sinh năm 1951, là thành viên của đảng Cộng hòa đại diện cho cánh hữu truyền thống. Ông được biết đến nhiều nhất trên trường quốc tế với vai trò làm trung gian cho tiến trình Vương quốc Anh rời khỏi EU, sự kiện còn được gọi là Brexit. Việc ông Barnier được bổ nhiệm làm Thủ tướng mới của Pháp, đã giúp chấm dứt 2 tháng bế tắc trong tiến trình thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử quốc hội (Hạ viện). Tuy nhiên, tân Thủ tướng Pháp sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn là nỗ lực thúc đẩy cải cách ngân sách năm 2025, trong bối cảnh nước Pháp đang chịu áp lực từ EC và thị trường trái phiếu để giảm thâm hụt.