Phán quyết trên được đưa ra chỉ ít giờ sau khi các bác sĩ bắt đầu rút các hỗ trợ sinh tồn cho bệnh nhân trên, một trường hợp gây chia rẽ trong chính gia đình người bệnh và tranh cãi trong dư luận trong nước.
Bệnh nhân là anh Vincent Lambert, 42 tuổi, bị tổn thương não nghiêm trọng sau một vụ tai nạn giao thông năm 2008. Anh đã phải sống thực vật trong suốt hơn một thập kỷ qua.
Ngày 20/5, các bác sĩ tại bệnh viện Sebastopol ở Reims, Đông Bắc nước Pháp, đã quyết định rút các biện pháp hỗ trợ ăn và thở cho bệnh nhân theo đề nghị của vợ và một số người thân trong gia đình anh, và phù hợp với luật pháp của Pháp. Các nguồn tin y tế cho biết Lambert có thể sống trong vòng vài ngày hoặc một tuần nếu không có các biện pháp hỗ trợ.
Tuy nhiên, trường hợp này đã gây ra một cuộc tranh cãi liên quan đến luật của Pháp về quyền được chết không đau đớn - được gọi là chung "cái chết nhân đạo", trong đó cho phép các bệnh nhân mắc bệnh nan y hoặc bị thương nặng không có cơ hội phục hồi được quyền lựa chọn cái chết. Các tòa án khác đã ủng hộ các đánh giá của người thân rằng không thể làm gì hơn cho Lambert.
Mặc dù vậy, cha mẹ của Lambert, những tín đồ Cơ đốc giáo ngoan đạo, đã liên tiếp kiện ra tòa để mong duy trì sự sống cho con trai, trong khi vợ Lambert và 6 người thân khác tin rằng nhân đạo nhất là để anh được chết.
Sau phán quyết của tòa phúc thẩm Paris, mẹ Lambert là bà Viviane, 76 tuổi, tuyên bố đây là "một thành công rất lớn" trong cuộc đấu tranh của mình nhằm duy trì sự chăm sóc y tế sống còn cho con trai.
Trước khi phán quyết mới nhất được đưa ra, Giáo hoàng Francis cũng lên tiếng ủng hộ việc duy trì sự sống cho Lambert. Tuy nhiên, cháu trai Francis của Lambert cho rằng việc nối lại các biện pháp hỗ trợ sinh tồn cho chú mình "là sự tàn bạo thuần túy của hệ thống y tế - tư pháp". Vợ Rachel của Lambert cho biết: "Để anh ấy ra đi là để cho anh ấy được là một người tự do".