Tranh cãi về dịch vụ "cái chết nhân đạo" lưu động

Thực thi cái chết “nhân đạo”, làm cho người mắc bệnh nan y chết một cách nhẹ nhàng, là hợp pháp tại Hà Lan trong một thập kỷ qua. Nhưng mới đây, một tổ chức tại La Haye còn đề xuất thành lập một dịch vụ “cái chết nhân đạo” lưu động, khiến nhiều người lo ngại, luật cái chết không đau đớn sẽ bị đẩy đi quá xa.

Cái chết "êm ái" đã được hợp pháp hóa tại Hà Lan từ năm 2002. Ảnh Internet.


Những người vận động phản đối cái chết nhân đạo (hay cái chết “êm ái”) đã gọi những nhóm thực hiện cái chết không đau đớn là “biệt đột tử thần” và cáo buộc chính phủ không có những biện pháp đủ mạnh để buộc thực hiện những quy định nghiêm ngặt về y học liên quan đến thủ tục này.

Theo đề xuất của Tổ chức Quyền được chết của Hà Lan (NVVE), các nhóm “cái chết êm ái” có tên Levenseinde (Sự sống chấm dứt) do họ tổ chức sẽ di chuyển trên khắp đất nước để hỗ trợ cho những bệnh nhân mà bác sĩ riêng của họ đã từ chối giúp họ được chết. Mỗi nhóm sẽ gồm một bác sĩ, một y tá cùng đầy đủ những thiết bị y tế cần thiết để tiến hành “cái chết nhân đạo”. Bệnh nhân có thể chọn cách tiêm thuốc, hoặc được cho uống một dung dịch thuốc độc.

Người đại diện của NVVE, Walburg de Jong cho biết: “Nhóm bác sĩ trước hết sẽ tiêm cho bệnh nhân một mũi, giúp họ chìm vào giấc ngủ sâu, sau đó, mũi tiêm thứ hai sẽ làm tim và hệ hô hấp của họ ngừng hoạt động”.

Một trong các nhà sáng lập của các nhóm Levenseinde, ông Jan Suyver cho rằng, bệnh nhân nên có quyền quyết định được chết. “Một khi bạn đã quá ốm yếu và biết rằng, bệnh tình sẽ không thể tiến triển tốt được, ít nhất bạn có thể chọn được chết bên những người thân trong gia đình, bạn có thể chọn được chết có chủ ý để biết được những gì đang xảy ra và tình trạng của bạn đang được kiểm soát”, ông Suyver nói.

Vị thẩm phán đã nghỉ hưu này cho biết, ông ủng hộ cái chết nhân đạo sau khi đã chứng kiến nhiều người đáp ứng đủ tiêu chuẩn được hưởng cái chết êm ái, nhưng vẫn bị bác sĩ từ chối. “Họ phải trải qua những nỗi đau đớn không thể chịu nổi trong khi không có cơ hội hồi phục. Những người này biết rõ họ muốn chết, nhưng các bác sĩ riêng của họ lại cảm thấy chưa đủ kinh nghiệm để thực hiện cái chết nhân đạo, hoặc vì họ cảm thấy hành động đó là thiếu đạo đức hoặc đi ngược lại với niềm tin tôn giáo của mình”, ông Suyver nói và đặt câu hỏi: “Vậy các bệnh nhân sẽ ra sao? Cái chết nhân đạo là hợp pháp theo luật Hà Lan, vì vậy, bất cứ ai cần nó và đáp ứng đủ điều kiện theo luật pháp, họ được quyền quyết định cái chết của mình và đó là lý do tại sao tôi thành lập các nhóm lưu động”.

NVVE cho biết họ ước tính sẽ tiến hành khoảng 1.000 cái chết êm ái mỗi năm và sẽ không tính phí với bệnh nhân. Tổ chức này hiện đang đàm phán với các công ty bảo hiểm về một thỏa thuận cho phép dịch vụ cái chết êm ái lưu động được tiến hành thông qua hệ thống bảo hiểm của Hà Lan.

Năm 2002, Hà Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa cái chết nhân đạo. Mỗi năm, có khoảng 2.500-3.000 ca chết nhân đạo, chiếm khoảng 2% tổng số ca tử vong tại nước này. Bỉ cũng hợp pháp hóa cái chết nhân đạo vào năm 2002, trong khi tự tử có hỗ trợ được phép tại Thụy Sĩ từ thập niên 1940. Tại Anh, nhiều năm nay nước này đã thảo luận về sửa luật, để hợp pháp hóa cái chết êm ái.


Thu Hằng (Theo BBC News)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN