Ngoại trưởng Stéphane Sejourne mới đây giải thích trước Quốc hội Pháp rằng quân đội NATO có thể được triển khai tới Ukraine để hỗ trợ các vai trò như rà phá bom mìn, hoạt động mạng hoặc sản xuất vũ khí.
Bình luận trên theo sau đề xuất của Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng việc triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine “không nên bị loại trừ”.
Tổng thống Macron cho biết quân đội NATO có thể thực hiện những hành động đó mà không “vượt qua ngưỡng khiêu chiến”.
Đề xuất của Pháp đã bị một số nước châu Âu quan trọng bác bỏ một cách kiên quyết, nhưng có vẻ như một số nước châu Âu đang ngày càng thúc đẩy ít nhất là thảo luận về khả năng cung cấp thêm hỗ trợ quân sự trực tiếp, điều mà trước đây từng là điều cấm kỵ.
Những diễn biến trên nhấn mạnh xu hướng đang xuất hiện ở châu Âu rằng họ cần phải thực hiện các bước quan trọng của riêng mình để ứng phó với thành công của Nga ở Ukraine khi viện trợ của Mỹ có nguy cơ sụp đổ.
Một phần, lập trường công khai quyết đoán hơn của Pháp và các nước khác dường như nhằm mục đích tạo ra “sự mơ hồ về chiến lược” với Nga thay vì thông báo những gì phương Tây sẽ không làm. Nói cách khác, nhiều nước châu Âu đang tìm cách tăng cường đường lối cứng rắn để khiến Nga phải thận trọng.
Tuy nhiên, có một cảm giác rõ ràng rằng châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa vì Ukraine và tìm ra các phương pháp thay thế trong cuộc đối đầu với Điện Kremlin, đặc biệt khi xem xét bí mật công khai rằng các lực lượng đặc biệt của phương Tây - ít nhất là từ Mỹ và Anh - đang hiện diên để bí mật hỗ trợ Ukraine.
Những người ủng hộ ý tưởng này cho rằng binh sĩ phương Tây có thể tăng cường phòng không của Ukraine. Mặc dù những kế hoạch này chưa được tính đến trước mắt, nhưng ngay cả các cuộc thảo luận cũng cho thấy một sự thay đổi đáng kể liên quan đến việc các chính phủ châu Âu đang lo ngại như thế nào trước viễn cảnh bất ngờ về một ưu thế tiềm tàng của Nga ở Ukraine.