Trong khuyến cáo, Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ: "Trong bối cảnh an ninh có nhiều biến động, chúng tôi một lần nữa kêu gọi công dân Pháp lưu ý rằng vẫn có các chuyến bay thương mại trực tiếp cũng như các chuyến bay đến Pháp, và chúng tôi đề nghị các công dân sắp xếp lịch trình bay ngay bây giờ để rời Liban sớm nhất có thể."
Bộ Ngoại giao Pháp cũng "khẩn cấp yêu cầu" các công dân nước này không đến Liban do lo ngại nguy cơ xung đột trong khu vực sau khi thủ lĩnh của Phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại thủ đô Tehran của Iran ngày 31/7 - một ngày sau vụ không kích của Israel ở Beirut khiến một chỉ huy quân sự cấp cao của lực lượng Hezbollah tại Liban, ông Fuad Shukr, thiệt mạng.
Pháp ước tính hiện có khoảng 23.000 công dân nước này đang ở Liban. Chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua có khoảng 10.000 công dân Pháp đã đến nước này.
Động thái mới nhất của Bộ Ngoại giao Pháp tương tự Mỹ và Anh ngày 3/8 đã khuyến cáo công dân hai nước này rời Liban.
Thụy Điển ngày 3/8 cũng thông báo đóng cửa Đại sứ quán của nước này tại Beirut và kêu gọi công dân rời khỏi Liban.
Căng thẳng tại khu vực Trung Đông leo thang sau vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát ở Tehran. Hamas và Iran cáo buộc Israel thực hiện vụ ám sát này và tuyên bố sẽ đáp trả. Phía Israel đã bác bỏ cáo buộc này.
Liên quan tình hình khu vực, truyền thông nhà nước Iran đưa tin Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi sẽ tới Iran ngày 4/8, trong một chuyến thăm hiếm có nhằm thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà về những diễn biến trong khu vực sau vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát tại Tehran.
Chuyến thăm trên của Ngoại trưởng Jordan diễn ra sau khi Mỹ cùng các nước đối tác - bao gồm Pháp, Anh, Italy và Ai Cập - liên tục có các cuộc tiếp xúc ngoại giao nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang trong khu vực.