Như vậy, sau Anh và Italy, Pháp là quốc gia thứ ba tại châu Âu có số ca tử vong do COVID-19 vượt mức 100.000. Trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi lời chia buồn đến thâm nhân gia đình có bệnh nhân tử vong. Hiện, có hơn 5.900 bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực, mức cao nhất kể từ mùa Xuân năm ngoái và nước Pháp đang đối mặt với làn sóng thứ ba của dịch bệnh.
Chính phủ Pháp cho rằng số ca mắc và tử vong tăng nhanh là do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nguồn gốc tại Anh, có khả năng lây lan nhanh hơn.
Chính phủ Pháp đang đối mặt với nhiều chỉ trích do tiến độ tiêm chủng chậm hơn so với các quốc gia lớn khác như Mỹ và Anh. Cho tới nay, Pháp mới tiêm 15,75 triệu liều vaccine cho người dân, thấp hơn nhiều so với 40,96 triệu liều tại Anh. Giới chức nước này có kế hoạch sử dụng vaccine Johnson & Johnson cho đối tượng từ 55 tuổi trở lên, song nhiều khả năng kế hoạch này sẽ bị đình trệ do Johnson & Johnson hoãn giao vaccine cho Liên minh châu Âu (EU) sau khi Mỹ đình chỉ sử dụng vaccine này. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp cam kết đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng và sẵn sàng thay thế vaccine AstraZeneca cho đối tượng trên.
Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Argentina gây sự chú ý bởi tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn khi nước này đang đối mặt với làn sóng dịch mới. Theo thống kê chính thức ngày 14/4, Argentina đã ghi nhận số ca mắc mới tăng nhanh với 25.157 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên hơn 2,6 triệu ca, trong đó hơn 58.500 ca tử vong. Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tại Brazil được xem là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Số ca mắc mới tăng nhanh cũng khiến các khu điều trị tích cực (ICU) bị quá tải. Tại một ICU ở bệnh viện El Cruce Nestor Carlos Kirchner, khu vực ngoại ô thủ đô Buenos Aires, các nhân viên y tế đã phải làm việc liên tục từ tháng 3 năm ngoái khi dịch bùng phát và giờ càng gian nan hơn trước làn sóng dịch mới. Bệnh viện này có 44 giường ICU, tất cả đã được sử dụng với hơn một nửa dành cho bệnh nhân COVID-19.
Thống kê chính thức cho thấy có tới 71% giường bệnh ICU đã được sử dụng ở vùng đô thị Buenos Aires và tỷ lệ này trên cả nước là 62%. Riêng tại thủ đô Buenos Aires, số ca mắc COVID-19 phải điều trị tại các bệnh viện công đã tăng hơn 33% trong khoảng thời gian từ ngày 5-11/4.
Để có thêm giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19, các bác sĩ đã phải hoãn các cuộc phẫu thuật, trong đó có những cuộc quan trọng như mổ u não, phẫu thuật tim mạch, cấy ghép nội tạng. Tuy nhiên, điều này dẫn tới việc sẽ có người tử vong không phải do COVID-19 mà do các bệnh khác.
Còn tại Brazil, các bệnh viện công ở bang Sao Paulo đang thiếu hụt các loại dược phẩm cần thiết cho thủ thuật đặt ống nội khí quản đối với các bệnh nhân COVID-19 Theo đó, có tới 68% bệnh viên và cơ sở y tế công tại bang đông dân nhất Brazil này đang thiếu thuốc ức chế thần kinh cơ, vốn được sử dụng nhằm làm giãn cơ tạo thuận lợi cho quá trình đặt ống nội khí quản, và 61% bệnh viện cho biết kho thuốc giảm đau đang vơi dần.
Theo người đứng đầu cơ quan y tế bang Sao Paulo, chính quyền bang đã gửi yêu cầu hỗ trợ đến chính quyền liên bang hơn 1 tháng qua và dự kiến chuyến hàng hỗ trợ sẽ tới bang này vào ngày 15/4. Giới chức bang Sao Paulo đang kiến nghị chính phủ cho phép các địa phương tự mua các chế phẩm này.
Với dân số gần 46 triệu người, Sao Paulo là một trong số bang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch COVID-19 với hơn 85.000 ca tử vong. Không chỉ Sao Paulo, hai bang lớn khác là Rio de Janeiro và Minas Gerais cũng đang thiếu hụt các dược phẩm phục vụ cho thủ thuật đặt ống nội khí quản.