Phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương, Tổng thống Macron cam kết "sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ bất kỳ sáng kiến nào từ phía Mỹ nhằm tham gia trở lại một cuộc đối thoại” và “cố gắng trở thành trung gian trong cuộc đối thoại này".
Nhà lãnh đạo Pháp đã nỗ lực nhiều lần, song không thành công trong việc thuyết phục cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tôn trọng thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Macron ủng hộ các cuộc đàm phán mới về những giới hạn đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, bao gồm cả với Israel và Saudi Arabia vì đây là "những đối tác quan trọng của khu vực". Hai quốc gia này đã phản đối quyết liệt thỏa thuận năm 2015 và ủng hộ quyết định rút khỏi thỏa thuận của Mỹ.
Hiện chưa rõ liệu lời đề nghị của ông Macron có được Washington hoan nghênh hay không. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã gợi ý rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể giúp cả hai bên "phối hợp" các hành động để xây dựng lòng tin và khôi phục thỏa thuận. Iran mong muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt do ông Trump áp đặt trước các cuộc đàm phán, nhưng chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden yêu cầu Tehran trước hết phải tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận năm 2015.
Thỏa thuận JCPOA, được Iran ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu urani ở độ tinh khiết 90% - mức để chế tạo vũ khí hạt nhân.