Pháp cân nhắc tăng hỗ trợ tài chính cho các lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron  ngày 6/5 cho biết đang cân nhắc tăng hỗ trợ tài chính cho các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trong một cuộc hội thảo trực tuyến với các đại diện của giới nghệ sĩ và các bộ trưởng Văn hóa và Tài chính, Tổng thống Macron cũng bày tỏ mong muốn "bảo vệ sức sáng tạo của châu Âu" trong cuộc cạnh tranh từ các khu vực khác như Mỹ và Trung Quốc.

Chính phủ của ông Macron đã phải chịu sức ép hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, những người làm việc chủ yếu trong các liên hoan mùa Xuân và mùa Hè. Họ được hưởng một cơ chế đặc biệt, theo đó hằng tháng được nhà nước trả lương với điều kiện làm việc 507 giờ trong 12 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã khiến các nhà hát, phòng hòa nhạc và rạp chiếu phim phải đóng cửa, cũng như hàng loạt liên hoan phải hủy, và họ không thể đảm bảo đủ số giờ làm để được nhận lương. Tổng thống Macron cho biết ông muốn chính phủ cam kết một giai đoạn mở rộng 12 tháng để tính trả lương cho các đối tượng lao động trên từ cuối tháng 8.

Dù Pháp dự kiến sẽ nới lỏng phong tỏa từ ngày 11/5, nhưng các các rạp chiếu phim, nhà hát và phòng hòa nhạc sẽ vẫn phải đóng cửa lâu hơn. Các sự kiện văn hóa có hơn 5.000 người tham gia cũng không được phép tổ chức trước tháng 9. Đến nay, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 25.500 người ở Pháp. Đây cũng là nước đứng thứ 5 về số ca tử vong, sau Mỹ, Anh, Italy và Tây Ban Nha.

Trong một diễn biến khác, theo số liệu của Văn phòng thống kê quốc gia Tây Ban Nha, dịch COVID-19 đã làm giảm 64,3% lượng khách quốc tế đến nước này trong tháng 3 so với cùng kỳ năm 2019.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, Tây Ban Nha đã ghi nhận 7 năm liên tiếp có lượt khách nước ngoài cao kỷ lục, và được xếp vào điểm đến được ưa chuộng thứ hai thế giới. Nhưng trong tháng 3 vừa qua, nước này chỉ đón 2 triệu khách nước ngoài. Hậu quả là chi tiêu của khách du lịch đã giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2,2 tỷ euro trong tháng 3. Du lịch là ngành trụ cột chính của nền kinh tế Tây Ban Nha, đóng góp 12% cho GDP và tạo ra hàng triệu việc làm.

Tương tự, theo phóng viên TTXVN tại Roma, ngành du lịch Italy cũng bị đại dịch COVID-19 tàn phá nặng nề, hơn 40.000 doanh nghiệp lữ hành có nguy cơ phá sản do sụt giảm doanh thu ít nhất 10 tỷ euro. 

Kết quả khảo sát do Viện nghiên cứu về dư luận và thị trường Italy (Demoskopika) tiến hành và công bố ngày 6/5 cho thấy trong 3 tháng đầu năm, thị trường lao động ngành du lịch Italy sụt giảm gần 7.000 lao động, so với mức giảm 6.000 trong quý 1 năm 2019. Đây cũng là thống kê đáng buồn nhất đối với ngành du lịch Italy kể từ năm 1995. Demoskopika dự báo nguy cơ các công ty du lịch phá sản sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường việc làm với hơn 184.000 lao động. 

Trong khi đó, HIS Markit đánh giá hoạt động sản xuất và dịch vụ của Italy trong tháng 4 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử do tác động của đại dịch. Chỉ số PMI (chỉ số quản lý sức mua) trong cả 2 ngành đã giảm xuống 10,9 điểm trong tháng 4, so với 20,02 điểm trong tháng 3.

Bích Liên - Hải Linh  (TTXVN)
Tây Ban Nha: Thêm 244 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 25.817 ca
Tây Ban Nha: Thêm 244 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 25.817 ca

Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 6/5 thông báo số ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày ở nước này đã tăng trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN