Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/10 có thể coi là tin vui đối với ngành công nghiệp chế biến thịt, khi ngày càng có nhiều sản phẩm thay thế thịt làm từ thực vật được bày bán trên các kệ. Theo sắc lệnh trên, các hãng sản xuất thực phẩm chay "sẽ không còn được sử dụng các thuật ngữ chỉ các món ăn từ thịt động vật truyền thống, để dán nhãn cho các món không có nguồn gốc từ động vật".
Ông Jean-François Guihard - người đứng đầu hiệp hội thương mại Interbev gồm các chủ trang trại chăn nuôi và đóng gói thịt, cho biết, biện pháp này là một bước quan trọng nhằm đảm bảo tính minh bạch trong việc truyền tải thông tin đến người tiêu dùng, cũng như bảo vệ sản phẩm và bí quyết của ngành chế biến thịt.
Lệnh cấm được áp dụng với các sản phẩm được sản xuất tại Pháp, song không áp dụng với các sản phẩm đến từ các nước đối tác thương mại châu Âu của Pháp, khiến nhiều hiệp hội nông dân trong khu vực mong muốn Pháp thúc đẩy vấn đề này với Liên minh châu Âu (EU).
Trong khi đó, ONAV - hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia y tế chuyên nghiên cứu các sản phẩm thay thế thịt, lại cho rằng biện pháp này được đưa ra nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp chế biến thịt.
Theo ONAV, lệnh cấm trên có thể cản trở tiến trình chuyển đổi sang các sản phẩm thay thế thịt bền vững và lành mạnh hơn tại Pháp, nhất là trong bối cảnh ngành công nghiệp chăn nuôi gây tác động nghiêm trọng đến khí hậu.
EU hiện không ban hành quy định nào cấm gắn mác các sản phẩm thay thế từ thực vật bằng những từ truyền thống chỉ sản phẩm thịt. Tuy nhiên, EU lại cấm việc dán nhãn như vậy đối với các sản phẩm bơ sữa làm từ thực vật, ví dụ như sữa chua và phô mai.