Trên mạng xã hội Twitter, ông Faki nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết, thế giới hiện cần WHO dẫn dắt để đối phó với đại dịch COVID-19. Trách nhiệm chung của chúng ta nhằm đảm bảo WHO có thể thực hiện nhiệm vụ của mình trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, Robert Redfield khẳng định cơ quan này có quan hệ rất tốt với WHO. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình ABC (Australia), ông Redfield cũng cho biết CDC và WHO đã có lịch sử lâu dài cùng nhau đối phó với nhiều dịch bệnh trên khắp thế giới, đồng thời tuyên bố hai bên tiếp tục hợp tác để ngăn chặn đại dịch hiện nay.
Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ Chính phủ Nga ủng hộ WHO trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Ông Peskov nhắc lại tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về dịch COVID-19 ngày 26/3 vừa qua, trong đó nhấn mạnh đại diện các nước tham dự cùng với WHO cam kết thực hiện mọi biện pháp để vượt qua đại dịch này.
Một ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã chỉ thị cho chính phủ tạm ngừng tài trợ cho WHO do sự bất hợp lý trong cách thức giải quyết đại dịch COVID-19 của tổ chức này. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết WHO đã "thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và cần phải chịu trách nhiệm".
Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Tính riêng trong năm 2019, Washington đã "rót" cho tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO.