Quyết định được nhà lãnh đạo Mỹ đưa một ngày trước đó kèm với đánh giá rằng cách thức giải quyết đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của WHO chưa phù hợp.
Trong một phát biểu đăng trên tài khoản Twitter, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell tuyên bố "lấy làm tiếc" về quyết định của Mỹ. Theo ông, hiện là thời điểm cần tập hợp tối đa nỗ lực của các nước để khống chế và giảm thiểu tác động của dịch bệnh.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng sự lây lan virus SARS-CoV-2 là không có biên giới và một trong những đầu tư tốt nhất hiện nay là các nước hỗ trợ Liên hợp quốc và WHO để tăng cường các xét nghiệm cũng như thúc đẩy nghiên cứu bào chế vaccine ngừa bệnh.
Cùng ngày, hãng tin TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov bày tỏ quan ngại về quyết định của Mỹ tạm ngừng đóng góp cho WHO. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng quyết định này sẽ làm suy yếu khả năng của WHO và ảnh hưởng tới hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống dịch COVID-19.
Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Tính riêng trong năm 2019, Washington đã "rót" cho tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO.