Những người muốn đăng ký ứng cử viên sơ bộ phải nộp cho Ủy ban bầu cử ở khu vực bầu cử số tiền ký gửi 3 triệu won (hơn 2.500 USD), các hồ sơ chứng nhận quyền được ứng cử, xác nhận lý lịch, và các chứng nhận về bằng cấp, học vị. Những người đang làm công việc bị hạn chế tham gia ứng cử như công chức nhà nước, nếu muốn ứng cử phải xin nghỉ việc trước thời hạn đăng ký, hoặc xin nghỉ trước ngày 16/2020 nếu muốn đăng ký ứng cử viên nghị sĩ Quốc hội ở khu vực địa phương. Trường hợp người đứng đầu các cơ quan chính quyền địa phương muốn đăng ký ứng cử viên ở khu vực địa phương đang phụ trách, thì phải xin từ chức trước ngày 17/12.
Sau khi hoàn tất đăng ký, ứng cử viên dự bị được phép lập văn phòng vận động bầu cử, phát danh thiếp vận động bầu cử, gọi điện kêu gọi sự ủng hộ của cử tri. Các ứng cử viên cũng có thể phát tờ rơi trong phạm vi 10% số hộ gia đình ở khu vực bầu cử, và thành lập nhóm hỗ trợ với mức quyên góp tối đa 150 triệu won (hơn 128.000 USD).
Trong khi đó, cuộc đàm phán nhằm thông qua Luật bầu cử sửa đổi tại Quốc hội vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đảng Dân chủ cầm quyền nhấn mạnh sẽ kết hợp với 4 đảng đối lập còn lại để thông qua Luật bầu cử sửa đổi, yêu cầu đảng Công lý nhượng bộ về phương án cho phép những ứng cử viên thất bại với tỷ lệ sít sao trong bầu cử khu vực đắc cử thành nghị sĩ trúng cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với đảng.
Chủ tịch đảng Công lý Sim Sang-jung cho biết sẽ đàm phán chính thức với 4 đảng còn lại và quyết định phương án cuối cùng dựa theo kết quả đàm phán. Đảng Hàn Quốc Tự do vẫn rất cứng rắn với lập trường phản đối thông qua Luật bầu cử sửa đổi và Luật thành lập cơ quan điều tra quan chức cấp cao về tham nhũng, tiếp tục tổ chức biểu tình tại Quốc hội, phản đối thông qua Luật bầu cử sửa đổi.
Cùng ngày, các đảng phái chính trị Hàn Quốc cùng ngày đã có phản ứng trái chiều về quyết định của Tổng thống Moon Jae-in (Mun Chê In) chỉ định cựu Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun làm ứng cử viên Thủ tướng.
Đảng Dân chủ cầm quyền bày tỏ hoan nghênh và cho rằng ứng cử viên Chung Sye-kyun là “người có trách nhiệm”, trong khi đảng đối lập Hàn Quốc Tự do, đảng Bareun tương lai và đảng Bảo thủ mới kịch liệt phản đối và lên tiếng chỉ trích ứng cử viên Chung Sye-kyun.
Nếu được bổ nhiệm sau một cuộc họp phê chuẩn tại Quốc hội, ông Chung Sye-kyun sẽ trở thành Thủ tướng đầu tiên của Hàn Quốc từng đảm nhiệm cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp.