Đồng thời, Trung Quốc cho biết nước này sẽ thực hiện "tất cả các biện pháp cần thiết" để bảo vệ lợi ích của mình sau khi Ủy ban châu Âu ngày 12/6 tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu từ tháng 7/2024.
Các chuyên gia trong ngành nhận định cả châu Âu và Trung Quốc sẽ đều có lý do để đạt được thỏa thuận trong những tháng tới nhằm tránh để các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc phải chịu thêm hàng tỷ USD chi phí mới, do quy trình của EU cho phép xem xét lại.
Trung Quốc cũng đã bác bỏ lập luận của EU và Mỹ cho rằng công suất dư thừa trong ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà sản xuất ô tô nước ngoài thông qua trợ cấp xuất khẩu. Trung Quốc cho rằng thuế quan sẽ làm chậm tiến trình phổ biến xe điện, ảnh hưởng đến các mục tiêu về biến đổi khí hậu và làm tăng chi phí cho người tiêu dùng.
Chỉ chưa đầy một tháng sau khi Mỹ công bố kế hoạch tăng gấp 4 lần thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100%, đến lượt EU cho biết sẽ phản ứng với chính sách trợ cấp của Trung Quốc bằng cách áp thêm thuế quan, từ 17,4% đối với hãng BYD lên đến 38,1% đối với hãng SAIC, ngoài mức thuế hiện tại 10%.
Các nhà sản xuất Trung Quốc dường như không quá lo ngại về những mức thuế này. Chery Auto, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc tính theo khối lượng xuất khẩu bày tỏ thuế quan sẽ không làm chệch hướng kế hoạch mở rộng thị trường sang châu Âu.
Ông Charlie Zhang, Phó chủ tịch Chery Auto kiêm Chủ tịch mảng kinh doanh tại châu Âu, cho biết công ty có kế hoạch bắt đầu sản xuất xe điện vào cuối năm tại nhà máy mới mua lại ở Tây Ban Nha, đây là cơ sở sản xuất đầu tiên của công ty tại châu Âu.
Các đối thủ của Chery là BYD và Great Wall Motor cũng đang tìm cách thiết lập các nhà máy sản xuất và lắp ráp tại châu Âu, nhằm giảm bớt thiệt hại do thuế quan gây ra, trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô này hướng tới mục tiêu tăng doanh số bán xe giá rẻ để cạnh tranh với các đối thủ châu Âu và bù đắp doanh số bán chậm lại ở Trung Quốc.
Geely, công ty nắm phần lớn cổ phần của Volvo Car của Thụy Điển, bày tỏ "sự thất vọng lớn" và cam kết thực hiện "tất cả các biện pháp cần thiết" để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhà sản xuất ô tô SAIC, thuộc sở hữu nhà nước, bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về mức thuế quan này.
Thuế quan tạm thời của EU dự kiến có hiệu lực vào ngày 4/7, với cuộc điều tra dự kiến kéo dài cho đến ngày 2/11, khi các khoản thuế chính thức (thường kéo dài trong 5 năm) có thể được áp dụng. Mặc dù vậy, giá cổ phiếu của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc hầu như không bị ảnh hưởng bởi tin tức này. Cổ phiếu BYD giao dịch tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) thậm chí còn tăng 5,8%.
Các nhà phân tích cho rằng việc tăng thuế quan của EU sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc tại châu Âu. Tesla cũng dự kiến sẽ tăng giá Model 3 do thuế nhập khẩu đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã tính giá bán xe xuất khẩu cao hơn so với thị trường nội địa, giúp họ giảm bớt tác động của thuế quan. Chẳng hạn như, BYD tính giá cho ba mẫu xe chủ chốt ở nước ngoài cao gấp đôi, thậm chí gần gấp ba lần, so với giá bán trong nước.
Cổ phiếu của một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu đã giảm giá trong ngày 13/6 do lo ngại Trung Quốc sẽ có phản ứng. Cổ phiếu của Volvo Car giảm nhiều nhất hơn 7%.